VFF, đội tuyển nữ có quyền khởi kiện?
Công ty cổ phần tập đoàn hóa chất Đức Giang hứa thưởng 500 triệu đồng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Tuy nhiên, khi giải ngân, công ty không chịu chuyển tiền như đã hứa với lý do không được Ban huấn luyện cung cấp danh sách chia thưởng.
Trước lùm xùm này, HLV trưởng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cảm ơn ý tốt của công ty Đức Giang, nhưng xin không nhận khoản thưởng này.
Trả lời thắc mắc của dư luận rằng việc Công ty cổ phần tập đoàn hóa chất Đức Giang hứa thưởng 500 triệu đồng nhưng nay nói không cung cấp danh sách chia thưởng sẽ không thưởng nữa thì có thể khởi kiện?
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc hãng luật TGS, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, vừa qua, cả đất nước ta sống trong niềm hân hoan khi Đội tuyển bóng đá nam và Đội tuyển bóng đá nữ liên tiếp giành nhiều thành tích trong đấu trường quốc tế.
Cũng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng các đội tuyển và hứa thưởng những khoản tiền khá lớn cho các cầu thủ để chia sẻ, vinh danh.
Mới đây, công ty Đức Giang đã hứa thưởng 500 triệu đồng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam nhưng lại đưa ra lý do cho việc không chuyển tiền như đã hứa là do không được Ban huấn luyện cung cấp danh sách chia thưởng. Dưới góc nhìn pháp lý đây là hành vi “hứa thưởng” và được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015.
Vị luật sư này phân tích: “Hành vi hứa thưởng không có điều kiện là hành vi mang tính chất đơn phương, phát sinh từ một phía, không ràng buộc trách nhiệm của bên được hứa thưởng.
Còn hành vi hứa thưởng có điều kiện lại mang tính chất song phương, khi này việc hứa thưởng có thể lập thành hợp đồng và các bên đều có quyền, nghĩa vụ nhất định theo sự thỏa thuận.
Có thể nói ở đây, công ty Đức Giang đã nêu điều kiện là đội tuyển bóng đá nữ phải công khai danh sách chia thưởng nhưng lại nêu ra sau khi điều kiện nhận thưởng đã được thực hiện xong. Do đó, không thể coi là hứa thưởng có điều kiện. Như vậy, Đức Giang có nghĩa vụ phải thực hiện trả thưởng theo đúng lời hứa thưởng của mình”.
Theo luật sư Tuấn, công ty Đức Giang hoàn toàn có quyền rút lại lời hứa thưởng, tuy nhiên theo điều 571 bộ luật Dân sự, người hứa thưởng chỉ có quyền rút lại lời hứa thưởng khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc. Trong trường hợp này, quyền rút lại lời hứa thưởng của Đức Giang không còn, kể từ khi đội tuyển bóng đá nữ đá trận bóng đầu tiên.
“Công ty Đức Giang không thực hiện trả thưởng đã vi phạm trách nhiệm trong giao dịch dân sự. Thực tế, pháp luật nước ta không có chế tài xử phạt cho hành vi này. Nhưng, đội tuyển bóng đá nữ hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu trả số tiền trên theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi lại quyền lợi của mình, khi đó cái mất đi không chỉ là số tiền phải trả thưởng mà còn mất đi cả danh dự, uy tín của doanh nghiệp trong mắt người dân, trong mắt dư luận xã hội”, luật sư Tuấn nhận định.
Hứa nhưng không thực hiện sẽ làm mất uy tín
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin dưới góc độ văn hoá ứng xử, lời hứa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung – nguyên trưởng khoa Văn hoá và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Hiện nay, việc xã hội hoá hoạt động thể thao và nhiều hoạt động khác được chú trọng. Nên ngoài ngân sách Nhà nước thì còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào quá trình khuyến khích, ủng hộ, động viên các phong trào thể dục thể thao… Nhiều công ty rất nhiệt tình, tham gia đóng góp vào một phần ngân sách cổ động tinh thần cho cổ động viên”.
Theo ông Trung, bên cạnh việc khuyến khích thì các công ty cũng lồng ghép thêm mục đích PR, điều này không vấn đề: “Tuy nhiên, công ty Đức Giang hứa thưởng nhưng không thực hiện, lại đưa ra yêu cầu như trên thì tôi cho rằng phía công ty nên suy nghĩ lại. Bởi, anh đã hứa trước công chúng, hứa trước truyền thông cả nước mà không thực hiện thì phần nào đó làm mất đi uy tín của đơn vị, doanh nghiệp đó”.
Cũng theo ông Trung phân tích, lật ngược lại vấn đề phía công ty Đức Giang yêu cầu ban huấn luyện công khai danh sách, điều này thể hiện sự minh bạch, muốn được biết số tiền của công ty tặng thưởng sẽ đi về đâu? Vậy, hai bên nên ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất, chi tiêu hợp lý.
“Tôi cho rằng đây là một bài học, người tài trợ khi trao thưởng cần phải có thoả thuận ngay từ đầu để không có sự tranh luận, không hiểu ý nhau như vậy mất vui. Đồng thời, cũng cho thấy mối quan hệ giữa các nhà tài trợ và đội tuyển mang tính chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Điều 570. Hứa thưởng
- Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
- Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.