Việc “tham nhũng học thuật”, nói trắng ra là “ăn cắp”, của bà Vũ Thị Sao Chi, thông qua việc lấy quyền lãnh đạo Tạp chí Ngôn ngữ để đứng tên chung với những học viên cao học, nghiên cứu sinh mà bà Sao Chi không phải là người hướng dẫn, đã diễn ra có hệ thống, kéo dài gây “âm ỉ” trong giới học thuật.
Trong đó, có những vụ việc đã được phanh phui như: Đạo văn của học viên cao học Lê Thị Hồng Hạnh, do PGS.TS. Nguyễn Thái Hòa hướng dẫn (trong bài viết trên Tạp chí Ngôn ngữ 2008, bà Sao Chi đạo nội dung từ luận văn của Hồng Hạnh đã bảo vệ 2004, trường hợp này cô Hạnh đã viết đơn tố cáo đến Viện trưởng kiêm TBT lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Tồn, nhưng vụ việc bị chìm xuồng.
Tiếp đó là việc đạo văn của Phạm Thị Thu Thùy; Đạo văn từ luận án đã bảo vệ cấp cơ sở của Nguyễn Thị Thanh Huệ (về hành vi Nịnh), mà người hướng dẫn là PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Tham nhũng học thuật đối với luận văn của Nguyễn Thị Thanh Tâm, về ngôn ngữ thơ Lê Đạt, do PGS.TS. Nguyễn Thái Hòa hướng dẫn. Lần này Sao Chi lấy bút danh là Hiền Nhi. Vụ việc này được báo điện tử Tầm nhìn phát hiện…
Một trong những vụ việc trên, có việc bà Sao Chi đạo văn từ luận án đã bảo vệ cấp cơ sở của Nguyễn Thị Thanh Huệ mà PGS.TS. Phạm Hùng Việt, nguyên Viện trưởng viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là người hướng dẫn.
Trong cuộc trò chuyện với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS.TS. Phạm Hùng Việt đã làm rõ thêm một số vấn đề.
Thưa PGS.TS. Phạm Hùng Việt, ông có thể chia sẻ rõ hơn về luận án đã bảo vệ cấp cơ sở của Nguyễn Thị Thanh Huệ, bản luận án này có tên của bà Sao Chi hay không?
Tháng 1/2011, tôi được Giám đốc Học viện Khoa học xã hội giao hướng dẫn Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thị Thanh Huệ với trách nhiệm là người hướng dẫn 1, TS. Cầm Tú Tài là người hướng dẫn 2. Đề tài luận án của NCS (sau khi điều chỉnh) là “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Đây là một đề tài thuộc lĩnh vực ngữ dụng học, theo hướng lý thuyết về hành vi ngôn ngữ của nhà triết học ngôn ngữ nổi tiếng J.L. Austin.
Sau quãng thời gian làm việc nỗ lực, bản thảo luận án đã được được hoàn thành. Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huệ đã bảo vệ luận án cấp cơ sở tại Học viện Khoa học xã hội vào ngày 20/12/2014 và đã được Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở thông qua với 100% số phiếu.
Có thể nói, để có được kết quả đó, NCS Huệ đã phải rất nỗ lực trong một thời gian dài, tìm đọc tài liệu lý thuyết, thu thập ngữ liệu, làm việc với người hướng dẫn, viết và bảo vệ các chuyên đề, hoàn thành các chương của luận án, viết và công bố các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành. Tới thời điểm bảo vệ luận án cấp cơ sở, NCS Huệ đã công bố được 5 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành.
Có thể khẳng định cả 5 bài báo đã được công bố và luận án bảo vệ cấp cơ sở của NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ không hề có tên của TS. Vũ Thị Sao Chi.
Với mong muốn tăng thêm số lượng công trình đã được công bố, cùng với việc hoàn thành bản thảo luận án, NCS Huệ đã sử dụng một phần nội dung của luận án để viết bài báo thứ 6, gửi đăng ở tạp chí Ngôn ngữ. Bài báo được tạp chí Ngôn ngữ đăng vào số 1 năm 2015, nhưng tên của người viết thứ nhất (chính) lại là TS. Vũ Thị Sao Chi, người viết thứ hai (phụ) là Ths. Nguyễn Thị Thanh Huệ.
Khi thấy bài báo trên Tạp chí Ngôn ngữ có bà Sao Chi đứng đầu tiên, sau mới là Thanh Huệ ông đã phản ứng như thế nào? Ông có trao đổi lại với Thanh Huệ?
Là người hướng dẫn, đã cùng làm việc với NCS Huệ sửa chữa không dưới 10 lần bản thảo luận án (đến bản bảo vệ chính thức là bản thứ 19), tôi nắm rất rõ từng bước triển khai và hoàn chỉnh luận án của NCS. Nội dung của bài báo trên tạp chí Ngôn ngữ chính là một phần của luận án.
Do vậy, khi thấy tên của TS. Vũ Thị Sao Chi (Phó tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ) là tác giả thứ nhất, tôi rất bất ngờ và bất bình.
Bởi lẽ, công việc biên tập là trách nhiệm của người biên tập. Không thể vì biên tập có sửa chữa ít hay nhiều mà người biên tập có quyền, bằng cách này cách khác, đưa tên của mình thành đồng tác giả, thậm chí là tác giả chính của bài báo.
Tôi cũng lo ngại cho việc bảo vệ luận án của NCS Huệ ở cấp học viện, bởi thành ra kết quả nghiên cứu của luận án, sau khi bài báo được công bố, đã không còn là của riêng NCS Huệ nữa, mà trên lý thuyết, đã có một phần thuộc về TS. Vũ Thị Sao Chi. Để đảm bảo cho việc bảo vệ luận án của NCS đúng trường quy, tôi đã phải nói NCS đến xin ý kiến xác nhận của TS. Vũ Thị Sao Chi đồng ý cho NCS sử dụng nội dung bài báo đó trong luận án của mình.
Ông đánh giá như thế nào về sự việc này?
Sự việc trên không chỉ xảy ra đối với bài báo của NCS Huệ; theo thông tin tôi được biết, còn có một số bài báo của một số học viên cao học, NCS khi gửi đăng trên tạp chí Ngôn ngữ đã được (bị) TS. Vũ Thị Sao Chi đứng tên đồng tác giả.
Đây rõ ràng là hành vi không liêm chính trong học thuật, cần phải phê phán.
Rõ ràng, câu chuyện về liêm chính trong học thuật đã được bàn nhiều, nhưng từ sự việc cụ thể này, mong muốn của ông là gì trong vấn đề học thuật?
Nhắc lại sự việc trên, tôi mong muốn điều tương tự không tiếp tục xảy ra ở một tạp chí chuyên ngành như tạp chí Ngôn ngữ nữa. Tôi cũng mong các bạn học viên cao học, nghiên cứu sinh, đừng vì nhu cầu cần phải đăng bài mà chấp nhận để người khác đứng tên vào bài báo do mình viết. Còn việc xử lý sự việc như thế nào là tùy thuộc vào cơ quan quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: Bài 1: Lùm xùm đạo văn - Kỳ 1: “Tôi khẳng định chỉ hướng dẫn mình chị Huệ Yên, không có tên Sao Chi nào hết”
(còn nữa)