Phải đáp ứng hàng loạt điều kiện
Hiện nay, ở nhiều dự án, chủ đầu tư cũng kinh doanh căn hộ du lịch (ngắn ngày) và chủ sở hữu/chủ căn hộ cũng kinh doanh hình thức tương tự.
Về phương án giải quyết tại dự án Cao ốc dịch vụ du lịch Sơn Thịnh 2, ông Nguyễn Công Bình, chủ DNTN Sơn Thịnh (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Chúng tôi chỉ cấm họ kinh doanh lưu trú ngắn ngày, còn họ cho thuê dài ngày (tháng, quý, năm) thì không có vấn đề gì. Ngoài ra, nếu họ có nhu cầu cho thuê căn hộ dài hạn, chúng tôi sẵn sàng thuê lại để làm dịch vụ”.
Liên quan tới vụ việc đang diễn ra tại dự án Cao ốc dịch vụ du lịch Sơn Thịnh 2 và một số dự án khác ở TP. Vũng Tàu, ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính cho biết: “Về việc cấp phép kinh doanh cho các hộ, hiện không có văn bản, quy định nào cấm việc chủ căn hộ được kinh doanh lưu trú".
"Tuy nhiên, khi kinh doanh, chủ căn hộ phải thông báo với ban quản trị chung cư để đăng ký tạm trú và đảm bảo các điều kiện khác. Trong trường hợp chủ đầu tư cấm kinh doanh thì cư dân có thể khởi kiện ra toà để được giải quyết”, ông Trí nói thêm.
Ông Bùi Văn Một, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho biết: “Kinh doanh lưu trú thì phải có giấy phép kinh doanh. Về an ninh trật tự, PCCC, đăng ký tạm trú đều có quy định hết (theo Luật Du lịch)”.
"Do đó, nếu muốn kinh doanh theo mô hình căn hộ khách sạn, chủ hộ phải có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản tới sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các nội dung sau: Tên, loại hình, quy mô cơ sở lưu trú du lịch; Địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch, thông tin về người đại diện theo pháp luật; Cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 luật Du lịch.
Họ phải tuân thủ các điều kiện này trước đã sau đó mới có thể phục vụ khách. Còn làm như hiện nay là sai, đó là chưa kể tới việc đóng các khoản thuế, phí khác theo quy định trong kinh doanh lưu trú”, ông Một nói thêm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Bình, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Hiến pháp và nhiều bộ luật khác cũng đã quy định, cá nhân và tổ chức được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Và đối với loại hình condotel, dù chưa có đạo luật chuyên biệt nhưng đang được điều chỉnh bởi các luật liên quan như (Du lịch, Nhà ở, Kinh doanh bất động…)”.
Do đó, luật sư Bình phân tích, các chủ căn hộ hay dự án kinh doanh condotel cần phải được cấp phép kinh doanh, đồng thời, thông báo kinh doanh lưu trú đối với cơ quan chức năng (sở Du lịch hay sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và đảm bảo các điều kiện liên quan như: PCCC, an ninh trật tự…
Cần kiểm soát chặt
Thực tế, hiện nay, luật pháp cũng đã nêu khái niệm căn hộ du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện nay, đối với loại hình căn hộ du lịch là cơ sở lưu trú chứ không phải nhà ở. Điều này đã được quy định rõ trong luật Du lịch 2017 (sửa đổi). Do đó, theo pháp luật hiện hành thì căn hộ du lịch (condotel) không thể coi là nhà ở được, đây là loại hình kinh doanh dịch vụ”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, trường đại học Công nghệ TP.HCM cũng cho rằng, cần phải có quy chế để quản lý kinh doanh căn hộ du lịch.
“Cơ quan chức năng phải ban hành các văn bản, quy chế, chế tài chặt chẽ để quản lý việc kinh doanh loại hình này. Đồng thời, người mua sẽ đóng thuế gì và chi phí gì khi kinh doanh căn hộ cần được nêu rõ…”, PGS.TS Thắng nói thêm.
Một khía cạnh khác, luật sư Bình cho biết: “Vì tính chất khác biệt của loại hình condotel cho nên cần phải có những quy định riêng, rõ ràng, để điều chỉnh cho phù hợp. Vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức, đồng thời, cũng đảm bảo sự quản lý của Nhà nước, tránh tình trạng mỗi bên (chủ đầu tư, chủ sở hữu căn hộ, khách hàng…) hiểu một cách khác nhau, từ đó, dẫn tới các xung đột về lợi ích".
“Đồng thời, việc siết chặt quản lý cũng tránh thất thu cho Nhà nước, vì hiện nay, do chưa cấp phép kinh doanh cũng như các điều kiện kèm theo nên nhiều chủ sở hữu hay các chủ hộ (thuê lại căn hộ) cho thuê nhưng không đóng bất cứ khoản thuế, phí nào (ngoài phí dịch vụ cho dự án)”, luật sư Bình cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho biết, việc vận hành căn hộ du lịch (condotel) cần phải theo hướng chuyên nghiệp, chứ không nên thả lỏng, manh mún và mạnh ai nấy làm.
Ví như nhiều nơi trên thế giới hay tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), các dự án phát triển đều của các chủ đầu tư mạnh về vốn. Đồng thời, các đơn vị này lại liên kết với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, như Marriott, Hilton, InterContinental... quản lý, vận hành.
"Khi đó, họ sẽ tiếp quản và quản lý, vận hành toàn bộ tòa nhà, các chủ sở hữu không có nhu cầu sử dụng sẽ giao lại cho các đơn vị này với lợi nhuận cam kết trong 5 - 10 năm đầu theo thỏa thuận giữa đôi bên. Các năm sau đó sẽ được thỏa thuận tiếp, theo các hình thức ăn chia lợi nhuận. Từ đó họ sẽ khai thác và vận hành cũng như đảm bảo nguồn khách tốt hơn, làm chuyên nghiệp hơn", chuyên gia này nói thêm.
Thanh Tùng - Hưng Vận