Tiếng xấu... đồn xa
Ngày 4/9, theo nhiều nhân chứng tại tòa nhà Sông Hồng (165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội), một mảng tường xi măng lớn bỗng dưng bung ra, rơi vào bốt điện rồi vỡ tan thành từng mảnh, có mảnh to như viên gạch khiến nhiều người dân hoảng hốt. Rất may không có thiệt hại về người. Một nhân chứng cho biết: "Khoảng 5h chiều 4/9, tôi đang làm việc trong tòa nhà thì nghe thấy tiếng động lớn, không biết chuyện gì xảy ra. Rất may lúc đó không có ai đứng dưới”.
Một người phụ nữ bán hàng tạp hóa phía sau tòa nhà kể lại, mảng vữa trên rơi từ tầng 6 của tòa nhà khiến chị cùng một số người gần đó hoảng hốt. Người phụ nữ này chia sẻ thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra, chị đã thông báo với ban quản lý tòa nhà để mọi người xem xét tình hình. Sau đó, một số người của ban quản lý đã rào dây quanh khu vực xảy ra vụ việc cùng tấm biển “cảnh báo vữa rơi”.
Điều đáng nói, theo tìm hiểu của PV, đây không phải thông tin tiêu cực duy nhất liên quan tới dự án này. Trước đó, theo phản ánh, chung cư 165 Thái Hà xảy ra rất nhiều vụ việc phức tạp khiến cơ quan công an phải vào cuộc xử lý. Chẳng hạn ngày 20/4, một nhân viên ban Quản lý tòa nhà (công ty PMC) vô lý đánh cư dân bị thương.
Tiếp đó, ngày 23/4, một cháu bé hơn 5 tháng tuổi bị bỏ lại ở hành lang tầng 9 mà bảo vệ không hề hay biết – dù cho về nguyên tắc, việc ra vào chung cư phải có thẻ. Hay sự việc hàng chục hộ dân tòa nhà lại bị cắt nước sinh hoạt. Sự việc chỉ được giải quyết khi lãnh đạo UBND phường Láng Hạ trực tiếp can thiệp, yêu cầu phía công ty cấp nước cho cư dân.
Khoản lợi nhuận “đếm cua trong lỗ”
Một điều khá trùng hợp là trong quá trình tìm hiểu, PV phát hiện, chủ đầu tư dự án 165 Thái Hà lại là một cái tên liên quan tới Trịnh Xuân Thanh, đối tượng bị truy nã quốc tế vừa ra đầu thú, trình diện cơ quan điều tra hồi cuối tháng Bảy vừa qua. Được biết, trước khi nắm giữ vị trí lãnh đạo tại tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), Trịnh Xuân Thanh đã có một thời gian đảm nhiệm chức vụ Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng công ty Sông Hồng rồi sau đó làm Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty này.
Trong thời kỳ lãnh đạo của Trịnh Xuân Thanh, chi nhánh Hà Nội của tổng công ty Sông Hồng đã được đổi tên thành công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land). Tháng 1/2008, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định 108/QĐ-UBND về việc giao cho tổng công ty Sông Hồng làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cao tầng I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 (sau này gọi là dự án cụm chung cư 165A, 165B Thái Hà).
Tuy nhiên, tổng công ty Sông Hồng, lúc này là một trong những thành viên hàng đầu của bộ Xây dựng, đã quyết định không phát triển dự án một mình, mà hợp tác triển khai cùng công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land - SHL). Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện là ban Quản lý dự án Thái Hà, thuộc tổng công ty CP Sông Hồng.
Điều đáng nói, dù dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ lâu, song tới nay vẫn chưa làm xong thủ tục quyết toán. Và phần lợi nhuận của tổng công ty Sông Hồng tới cuối tháng 6/2017 vẫn được hạch toán là phải thu dài hạn đối với ban Quản lý dự án Thái Hà. Liên quan đến khoản doanh thu trên, theo tìm hiểu của PV, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của tổng công ty Sông Hồng là công ty CPA Việt Nam đã phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, lưu ý nhà đầu tư về khoản tiền thu được từ dự án Sông Hồng Park View này.
Tổng công ty Sông Hồng đã cho bà Lê Thị Minh Nguyệt cùng Sông Hồng Land thuê phần diện tích tạm tính của khu văn phòng và khu dịch vụ thuộc dự án (khoản mục này được hạch toán là phần giá trị tài sản dở dang dài hạn tạm tính có giá 23,73 tỷ đồng). Tuy vậy, bà Lê Thị Minh Nguyệt đã đưa trước cho tổng công ty Sông Hồng số tiền 21,45 tỷ đồng, ghi nhận doanh thu chưa thực hiện đối với Sông Hồng Land số tiền 54,97 tỷ đồng. Do chưa hoàn tất các thủ tục quyết toán nên các khoản doanh thu tạm tính trên vẫn “treo” trên sổ, đơn vị kiểm toán “không đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề này đến tình hình hoạt động của tổng công ty”.
Ngoài ra, CPA Việt Nam cũng nhấn mạnh về khoản lợi nhuận trên BCTC kiểm toán năm 2011 của tổng công ty Sông Hồng cho thấy, tổng lợi nhuận của dự án 165 Thái Hà là 681 tỷ đồng, tương ứng với 20% vốn góp thì phần lợi nhuận của Tổng công ty chỉ là 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo biên bản giữa hai bên ngày 19/6/2015 thì lợi nhuận tạm phân chia của tổng công ty Sông Hồng được xác định chỉ là 103,92 tỷ đồng. Dù đã hạch toán vào lợi nhuận tạm tính nhưng khoản tiền 103,92 tỷ đồng kể trên vẫn tiếp tục “treo” trên khoản mục phải thu dài hạn ban Quản lý Dự án Thái Hà từ đó đến nay.
“Tổng công ty tin tưởng rằng khoản lợi nhuận ước tính trên là tương đối chính xác và chắc chắn thu được. Các khoản điều chỉnh liên quan đến dự án này sẽ chỉ được thực hiện khi có quyết toán cuối cùng với bên hợp tác đầu tư”, báo cáo của tổng công ty Sông Hồng cho biết.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.