Báo động thực trạng người tâm thần gây án...
Thời gian qua, có không ít vụ án xảy ra, thậm chí là án mạng rất đau lòng làm chết nhiều người một lúc, do người tâm thần gây ra. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Người tâm thần phạm tội không phải là một vấn đề mới, mà nó đã tồn tại trong xã hội từ rất lâu. Xã hội càng phát triển, càng kéo theo những căn bệnh có nguyên nhân từ áp lực công việc, cuộc sống, xã hội. Bệnh tâm thần vì thế mà cũng có nhiều thể thức khác nhau.
Mặc dù đã tồn tại trên thực tế như một trong những loại bệnh oái oăm, gây khổ sở cho không chỉ người bệnh, mà còn làm cho người nhà họ cũng khốn đốn, song không dễ dàng gì điều trị dứt điểm hẳn căn bệnh này. Như tôi theo dõi thì thời gian gần đây số lượng các vụ án cũng như tính chất của tội phạm do những người mắc bệnh tâm thần thực hiện là hết sức báo động, có ảnh hưởng rất lớn tới an ninh trật tự và an toàn xã hội. Vấn đề này báo chí cũng đã phản ánh nhiều để góp phần có biện pháp ngăn chặn phòng ngừa.
Có nhiều vụ án còn để lại những hậu quả nặng nề đối với các nạn nhân cũng như đặt ra những gánh nặng lớn cho xã hội (như vụ án giết người của Hà Văn Pẩu ở Lạng Sơn; Vụ Nguyễn Hữu Trung ở Gia Lai trong lúc lên cơn điên đã chém chết vợ chồng người em ruột; Hay như vụ Dương Văn Nuôi ở TP. HCM do bị bệnh rối loạn nhân cách cảm xúc nên sau khi uống rượu đã dùng búa tấn công 7 người trong gia đình, 1 giám đốc doanh nghiệp và công nhân ở đó, khiến nhiều nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương và chấn thương sọ não. Ngoài ra còn hàng chục vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian vừa qua).
PGS Trần Hữu Bình - nguyên viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đến thăm một bệnh nhân tâm thần.
Xét trên góc độ bệnh lý thì những người thực hiện tội phạm thường là những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, phát bệnh vì một bệnh lý của não, do những biến đổi sinh học phức tạp hoặc vì tác động bất lợi của môi trường tâm lý xã hội. Việc liên tục để xảy ra tình trạng người tâm thần phạm tội, theo tôi là xuất phát từ việc các đối tượng này không được quan tâm, chăm sóc, quản lý và phát hiện bệnh sớm hoặc chữa trị không kịp thời, hợp lý.
Ngoài các đối tượng mắc bệnh tâm thần phân liệt thì hiện tại trong xã hội hiện nay, còn có phần đa những người có biểu hiện thần kinh không bình thường như: Trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, sa sút tâm thần, kích động do loạn thần vì uống rượu, chậm phát triển tâm thần... Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước ta mới có cơ chế quản lý đối với những người mắc bệnh ở thể dạng tâm thần phân liệt, mà chưa có phương pháp quản lý cũng như chế định pháp lý cụ thể đối với các đối tượng thuộc thể dạng ngoài tâm thần phân liệt. Trong khi đó, đây cũng là những đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao gây ra các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Về mặt pháp luật, trong một số trường hợp cụ thể, người tâm thần gây án được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Song thực tế, hậu quả của những vụ án do người tâm thần gây ra không hề nhỏ. Và vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là gì, thưa ông?
Dưới góc độ pháp luật Hình sự, tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định cụ thể trường hợp phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khi thực hiện tội phạm, trong trường hợp người mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước hành vi phạm tội của mình.
Bên cạnh vấn đề trách nhiệm hình sự thì Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng có những quy định cụ thể, chi tiết về trách nhiệm dân sự của những người mắc bệnh tâm thần và những người có nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, khi người mắc bệnh tâm thần bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Dù người mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 13 Bộ luật Hình sự), nhưng nếu người giám hộ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra. Tài sản dùng để bồi thường thiệt hại là tài sản của người bệnh. Nếu người bệnh không có tài sản hoặc không đủ tài sản thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình (Điều 606 Bộ luật Dân sự).
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không quản lý được người bệnh trước hết là do xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc với họ. Mặt khác, nhiều gia đình có người mắc bệnh tâm thần không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc thậm chí là có tâm lý mặc kệ cho những người tâm thần thích làm gì thì làm, không hề có sự quan tâm, chăm sóc hay có một cơ chế giám sát, theo dõi tiến trình diễn tiến bệnh tật phù hợp. Cá biệt, có những gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu giếm tình trạng của người bệnh. Trong khi đó, việc chấp nhận để người bệnh được vào danh sách Nhà nước quản lý hay không, thì lại phải chờ tới sự cho phép của gia đình người bệnh.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
... Và không ai nhận trách nhiệm!?
Ông đánh giá như thế nào về việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay?
Về thời gian cố định trong việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiện nay chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp quy nào của Nhà nước ta. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở thực tế trong việc khám và điều trị bệnh tâm thần và xét điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh phí điều trị cho bệnh nhân, thì các bệnh viện đang xem xét, xử lý căn cứ trên sự tiến bộ y học, để rút ngắn quãng thời gian trung bình của mỗi đợt điều trị. Theo tôi biết, muốn ra viện, thì dù là bệnh gì, các bác sỹ cũng phải xác định đủ điều kiện sức khỏe, mới cho xuất viện. Tuy nhiên, khó khăn thì chắc vẫn còn nhiều.
Nếu chính trong quãng thời gian "xuất viện" mà người tâm thần gây án, thì theo ông trách nhiệm thuộc về ai? Về cơ chế hay do bác sỹ quyết cho bệnh nhân xuất viện một cách cứng nhắc?
Như đã đề cập ở trên, đối tượng tâm thần gây ra thiệt hại trong thời gian do ai hay do cơ sở nào có nghĩa vụ quản lý thì người đó, tổ chức đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu không chứng minh được là mình không có lỗi trong hành vi gây ra thiệt hại đó.
Trong trường hợp này cũng không thể trách được bác sỹ bởi điều này sinh ra là do cơ chế, chứ không phải do bác sỹ tự quyết định được. Cơ sở điều trị chỉ có nghĩa vụ phải quản lý, chăm sóc cho người bệnh trong thời gian người bệnh đang được điều trị tại trung tâm. Còn ngoài thời gian đó, trách nhiệm quản lý, chăm sóc là do những người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật. Song có một thực tế, quy trách nhiệm cho người giám hộ là việc gặp nhiều khó khăn. Hay có thể nói, cái gọi là trách nhiệm đó, nó rất lửng lơ. Thực tế cho thấy còn thiếu những biện pháp khả thi trên thực tiễn về việc quy trách nhiệm cho người giám hộ. Và tất nhiên khi một vụ án mạng xảy ra, hiếm tổ chức, cá nhân liên quan nào lại đi nhận... trách nhiệm về việc để xảy ra chuyện người tâm thần gây án.
Xin cảm ơn ông !
Quang Trung (thực hiện)