Cách chọn gà
Thông thường thì có thể cúng bất cứ loại gà nào, nhưng để bày tỏ lòng thành và sự tôn kính của gia chủ đối với tổ tiên và cầu xin một năm mới tốt lành thì tốt nhất nên chọn loại gà ta tơ.
Hơn nữa, giao thừa (trừ tịch) là đêm mà theo quan niệm dân gian thì mặt trời ngủ sâu nhất, bởi thế nên người Việt thường hay cúng gà trống hơn là gà mái với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, sức khỏe… được rạng rỡ, sáng sủa.
Để chọn được một con gà trống tơ (gà giò) ngon, nên chọn những con mào đỏ tươi, nhú đều nhau, chân vàng, lông mượt là gà khỏe, ức đầy. Bấm nhẹ phía dưới ức thấy xương mềm; vạch nhẹ lông ra thấy da ấm, mềm, mỏng là gà ngon, đạt tiêu chuẩn.
Lưu ý, không chọn những con mào tím tái, mắt lờ đờ, chân lạnh, ủ rũ, dáng vẻ mệt mỏi, đầu lúc nào cũng chúi xuống dưới, chảy nước dãi, hậu môn to, phân trắng loãng… Đó là gà bị ốm, có bệnh.
Bên cạnh đó, nên chọn gà nặng từ khoảng 1,2 - 1,5kg. Nếu gà to quá thì bày không đẹp. Khi mổ gà cúng, phải thực hiện mổ moi, để hình dáng gà khi luộc lên gọn gàng, đẹp mắt.
Cách buộc gà cánh tiên
Gà cánh tiên là một trong những tạo hình được lựa chọn để chú gà cúng đẹp mắt trong đêm giao thừa, với chiếc cổ vườn cao, hai cánh xòe ra.
Bạn có thể tự buộc gà cánh tiên bằng theo các bước:
- Lần lượt cho 2 chân gà vào phần bụng đã mổ moi.
- Kéo cổ gà ra phía sau và dùng 2 cánh gà kẹp lại.
- Dùng sợi lạt buộc 2 vòng theo 2 mấu của đầu cánh gà như hình bên dưới.
- Kéo đầu gà lên, để đầu gà nằm giữa hai cánh gà.
Cách buộc này khá đơn giản, dễ thực hiện, giúp định hình như chú gà đẹp mắt sau khi luộc.
Nếu không tự tin để buộc gà, bạn có thể nhờ người bán gà buộc giúp, để chú gà cúng đẹp mắt.
Sau khi sơ chế, để có được đĩa gà cúng Giao thừa ngon, đẹp mắt, các bạn cần chú ý:
- Dùng nồi đủ rộng để gà khi cho vào luộc có thể dễ dàng lật.
- Sau khi mổ moi (không banh bụng), nên sát nhẹ ngoài da gà bằng muối và chanh rồi rửa lại bằng nước sạch. Cách này giúp gà thơm thịt, không bị hôi.
- Đổ ngập nước lên gà, đun lửa vừa. Khi nồi luộc gà sủi lăn tăn thì nhẹ nhàng lật gà cho chín đều.
- Khi gà chín được tầm 80%, để lửa mức nhỏ nhất, om thêm 10 phút.
-Muốn da gà giòn, khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh, khi nguội hẳn thì vớt ra, để ráo.
-Giã nát củ nghệ rồi vắt lấy nước trộn với mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp hỗn hợp này dàn đều lên phần da gà. Đảm bảo gà luộc sẽ trông thật bóng bẩy và căng mượt nhìn thật hấp dẫn.
Sau đó tháo dây buộc gà, bày ra đĩa, mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ củ hành lá xanh cũng đẹp mắt), tiết, lòng gà nhét lại vào bụng gà.
Ý nghĩa về 5 đức tính tốt của gà trống trong phong tục Việt Nam
Theo phong tục Việt Nam thì gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực mà người đàn ông đặc biệt cần phát huy. Cúng gà trống là cầu mong con cháu sau này được hưởng những cái đức tính đó.
1. Văn: Mào con gà trống và hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ biểu tượng cho Văn.
2. Võ: Cựa gà là vũ khí biểu tượng cho Võ.
3. Dũng: Con gà trống trong đàn luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình và sẵn sàng chí tử đến chết biểu tượng cho Dũng khí.
4. Nhân: Con gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi bầy của mình đến rồi mới thủng thẳng ăn cùng mà không bao giờ ăn một mình biểu tượng cho Nhân.
5. Tín: Con gà trống luôn gáy đúng giờ bất kể bốn mùa biểu tượng cho chữ Tín. Đó là ý nghĩa của việc tại sao ngày xưa các cụ chọn gà trống để cúng chứ không bao giờ chọn gà mái.
Minh Hoa (t/h)