Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ và dự thảo nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Theo đó, căn cứ để điều chỉnh lương cơ sở là thực hiện theo nghị quyết 69 của Quốc hội về việc tăng lương cơ sở.
Đồng thời, với mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, Bộ Nội vụ đánh giá mặc dù đã tăng thêm 7,19% so với trước, nhưng mức lương này mới đạt 37,89% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 là hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Thực tiễn này dẫn tới đời sống cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, dự thảo nghị định của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở, mức lương cơ sở điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023, tức là tăng thêm 20,8% so với mức lương hiện hành.
Mức lương này dự kiến sẽ áp dụng cho các đối tượng cụ thể như sau:
1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện được quy định tại Luật cán bộ, công chức năng và Luật viên chức.
2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
5. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an nhân dân.
7. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
8. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Theo dự thảo, mức lương cơ sở sẽ dùng làm căn cứ để tính lương trong bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định. Đồng thời để tính hoạt động phí, sinh hoạt phí, các khoản trích và các chế độ thưởng theo mức lương cơ sở.
Khác với cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lương được tính theo mức lương cơ sở thì lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp được tính theo thoả thuận của các bên.
Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động có đề cập đến quy định liên quan đến tiền lương như sau:
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Có thể thấy, lương của người lao động hoàn toàn được trả theo thoả thuận của người lao động và người sử dụng lao động mà không chịu ảnh hưởng từ mức lương cơ sở.
Đặc biệt, vẫn có giới hạn tối thiểu trong lương của người lao động là không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Đây là một khoản lương khác hoàn toàn so với mức lương cơ sở nên khi lương cơ sở tăng, lương của người lao động không hề bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, mặc dù lương không tăng nhưng khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì vẫn sẽ có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến đời sống của người lao động như:
- Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) tối đa hoặc theo hộ gia đình; Tăng điều kiện hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT 5 năm liên tục.
- Tăng trợ cấp, phụ cấp: Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau; Tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; Tăng mức lương hưu thấp nhất; Tăng mức trợ cấp mai táng; Tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng...
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Lao Động)