Nhưng sau lần bất cẩn đó, ông Truật khám phá ra nhiều điều. Phía sau khối hợp chất kiên cố và bề thế kia lại là tấm áo quan sơ sài, không giống với thân thế một hoàng tử con của vị vua quyền thế như ông nghĩ. Và đó là động lực để nhà khảo cổ lão thành đi tìm ngọn nguồn bí ẩn.
Kỳ trước: Nghi án cao nhân phong thủy 'yểm' ngôi cổ lăng
Tìm ra điểm yếu để phá hợp chất lạ
Sau lần cùng ông Nguyễn Văn Công (Bảo tàng Cách mạng TP.HCM) phát hiện ra ngôi cổ mộ (208 Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận) với hàng chữ "Đông cung lăng", ông Truật đinh ninh sẽ trở lại khai quật nhanh nhất, khi có kinh phí.
Tuy nhiên, một thời gian sau trở lại thăm mộ thì điều đau đớn đã xảy ra, tấm bia quý bằng cẩm thạch, manh mối cuối cùng để tìm danh tính người trong mộ đã bị bọn trộm cổ vật đào nhổ đi mất. Và như thế, việc chứng minh người dưới mộ là Hoàng tử Đông cung Nguyễn Phúc Cảnh như ông lờ mờ đoán định từ trước đến nay trở nên khó khăn vạn lần.
Những năm sau đó, phần vì công việc, phần lại thiếu kinh phí nên câu chuyện về "Đông cung lăng" của ông Truật đành tạm gác lại. Nhưng vào tháng 10/1992 một sự kiện vô tình đã đánh thức "ký ức" của ông, trong khi chờ đợi bàn tay của nhà khảo cổ thì ngôi mộ bị một đơn vị xây dựng ủi phá để giải phóng mặt bằng. Được tin báo, ông tức tốc chạy tới thì hỡi ôi, đám công nhân tay cuốc, tay búa, người cưa cây, kẻ lái máy xúc…phá, ủi gần như tan tành kiến trúc dương phần của ngôi mộ.
Mộ Hoàng tử Cảnh khi khai quật
Trước cảnh đau lòng đó, ông Truật chỉ còn cách cấp báo lên Viện KHXH-NV để nhờ can thiệp. Lúc này Viện mới xin ý kiến của UBND TP.HCM và cử ông Truật lên kế hoạch tổ chức khai quật gấp, nhằm cứu vãn trước khi mộ bị phá hỏng hoàn toàn.
Nhưng trong cái rủi có cái may, khi kiểm tra thì kiến trúc âm phần của ngôi mộ vẫn còn nguyên, như thế vẫn còn hi vọng để ông nghiên cứu. Một kíp cộng sự, cùng trang thiết bị cần thiết như: Bộ phận họa đồ, phong thủy, chuyên viên giải mã, bác sỹ giải phẫu, cấp cứu... do kíp trưởng khai quật là ông Đỗ Đình Truật bắt tay ngay vào cuộc.
Khi kíp khảo cổ của ông Truật bóc hết dương phần ngôi mộ thì âm phần lộ dần, đó là khối hợp chất hình hộp khá bề thế rộng 2,2m, dài 2,8m, vững chãi. Thế nhưng, khi ông cho toán công nhân dùng búa, thậm chí máy xúc ủi, đục thì khối hợp chất không hề hấn. Hơn nửa ngày trôi qua, công việc vẫn không hề tiến triển.
Ông Truật phân tích: "Mộ cổ Nam bộ thường được đúc bằng hỗn hợp giữa cát và mật ong trộn đều theo tỷ lệ nhất định, hàng trăm năm không hư hỏng và thấm nước. Điều đáng nói là loại hợp chất này khi bị tác dụng, lực không tỏa đối tâm như ở đá nên rất khó phá, muốn phá phải dùng mẹo. Kinh nghiệm cho thấy, dù bền nhưng phần đấy của mộ hợp chất thường có độ ẩm cao hơn nên độ liên kết thấp hơn. Phải tìm ra điểm yếu đó mới có thể phá được hoàn toàn khối hợp chất, tiếp cận được phần áo quan bên trong".
Gần tròn một ngày kíp thợ "đánh vật" với khối hợp chất, nhưng vẫn không bóc được một ly nào. Cho đến lúc trời bóng xế thì bất ngờ một tay thợ từ dưới hào mộ hét lên vui mừng: "Đã tiếp cận được áo quan rồi". Mọi người nhìn chiếc đòn bẩy cắm sâu vào bên trong khối hợp chất mừng rỡ.
Lúc này, nhiệm vụ còn lại là của nhà khảo cổ. Ông Truật thận trọng bước xuống đắn đo quan sát, bàn tay cầm chiếc đòn bẩy cẩn trọng từ từ rút nhẹ ra. Nhưng khi tuốt được hoàn toàn chiếc đòn sắt thì bất ngờ có một luồng khí độc đen ngòm, to như vạt chiếu, mùi hắc phun mạnh từ trong mộ dội thẳng vào mặt, làm ông bất tỉnh tại chỗ.
Cảnh tượng đó làm kíp khai quật và dân chúng hiếu kỳ một phen hú hồn, mặt ai nấy tái mét chạy toán loạn không dám bén mảng tới gần. Nhiều người cho rằng âm khí thoát ra, quỷ ma trong mộ hiện hình. Duy chỉ còn lại vị bác sỹ lão thành là GS. BS. Phan Bảo Khánh (lúc đó là Trưởng khoa giải phẫu ĐH Y dược TP.HCM) đứng lại. BS. Khánh bình tĩnh gọi người kéo ông Truật từ dưới hào lên, tiêm tức tốc 2 mũi thuốc. 15 phút sau thì ông Truật tỉnh.
Vị bác sỹ cho rằng ông Truật bị trúng luồng khí độc tích tụ hàng trăm năm, do hợp chất bịt kín không lối thoát, chỉ cần dưỡng sức thì sẽ trở lại bình thường. Nhìn mặt trời lùi về đằng Tây, kíp thợ tạm dừng, cử bảo vệ ở lại canh gác hiện trường, dự tính ngày hôm sau trưởng đoàn khai quật khỏe lại sẽ tiếp tục làm việc.
Phút thư giãn cùng môn đệ nói chuyện về cuộc đời Hoàng tử Cảnh
Dùng gà để thử khí độc?
Đời làm khảo cổ, khai quật vô số mộ cổ hợp chất, nhưng có lẽ đây là ngôi mộ lạ lùng nhất mà ông Truật gặp. Trong đó việc bị khí độc "hạ gục" ngay bên miệng hố là lần đầu tiên ông gặp phải. Ông Truật bảo, ngôi mộ mà ông đang khai quật lượng khí tích tụ rất lớn và mạnh. Điều này cho thấy có gì đó bất thường ở đây. Độc khí lớn là do các chất dùng để ướp xác như vôi bột và một số chất độc mạnh dùng khử vi khuẩn trong quan tài sinh ra.
Ngày hôm sau công việc lại tiếp tục, nhưng để phòng bất trắc, lần này ông Truật dùng gà để thăm dò. Nếu cho gà vào bên trong, lôi ra còn khỏe, có nghĩa độc khí đã bay hẳn và ngược lại. Đích thân ông Truật dùng búa đập rỗng một lỗ to, rồi buộc dây vào chân một con gà trống, đẩy vào. Tiếp đến là thêm một con mái và một con gà con. Khoảng 5 phút sau ông lần lượt kéo ra thì thấy chúng vẫn khỏe bình thường.
Như vậy có thể thấy độc khí đã thoát hết, công việc lại tiếp tục. Khi đám thợ cạy hết được toàn bộ khối hợp chất 10m3 ra thì lộ một bộ áo quan dài 1,8m, rộng 0,8m, cao 0,9m. Ông Truật nhận thấy nó nhỏ một cách bất thường so với kiến trúc đồ sộ của ngôi mộ.
Và nếu như thế, nó không hề khác bộ áo quan của hạng thường dân. Bao nhiêu giả định chủ nhân là một vị Hoàng tử Đông cung bắt đầu bị lung lay. Trong cái màu vàng vọt của buổi chiều muộn, khuôn mặt nhà khảo cổ đăm chiêu, bộ râu bạc trắng im phăng phắc. Cần có hướng tiếp cận mới, ông Truật phải dùng Kinh dịch lấy thông tin, mong sao có chút manh mối về người trong mộ.
Xin nói thêm, việc dùng Kinh dịch để giải mã bí ẩn về danh tính người trong mộ được ông Truật áp dụng từ trước đến nay rất nhiều. Ông là nhà khoa học khá am hiểu Kinh dịch và vận dụng nó một cách hiệu quả trong ngành khảo cổ. Ông phân tích: "Ngày tôi và giáo sư Trần Văn Giáp công tác ở bên Trung Quốc, cụ Giáp có khuyên, nếu muốn theo ngành khảo cổ thì nên học bằng được Kinh dịch, vì đó là tàng thư cổ huyền diệu, là ngọn nguồn tinh hoa của triết học phương Đông. Trong đó một hạt bụi không nằm ngoài quy luật của Bát quái trong Kinh dịch".
Trở lại vấn đề ngôi mộ, ông Truật dùng 4 bó nhang lớn cắm ở 4 góc mộ, đó là "tín hiệu để liên lạc với cõi âm". Sau khi ngồi "thiền" để thu khí trong mộ và khí của ông hòa nhập, cuối cùng một đồ thức đã lập xong. Bằng kiến thức vốn có về Kinh dịch, ông Truật đọc ngay được đồ thức là "Thủy Thiên Nhu".
Sách Kinh dịch có nói, Thủy Thiên Nhu là sự nhu thuận, có nghĩa là còn non, còn trẻ, đang trong thời kỳ phải chăm sóc, cũng có nghĩa là nhu nhược, hèn yếu cần phải chờ đợi rồi sẽ hiện rõ. Ý nói, người trong mộ là một người còn non trẻ, chết non, thân phận nhu nhược.... Vô số nghi vấn dậy lên trong đầu nhà khảo cổ lão thành. Mọi người không hiểu ông Truật đang làm gì, nhưng ông gần như biết rõ thân phận của người nằm trong mộ là ai?
Được xem là người duy nhất dùng Kinh dịch giải mã bí ẩn trong mộ Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cho rằng, Kinh dịch không phải là cái gì đó xa lạ, mà thực sự là khoa học, nếu biết vận dụng. Một trong những điều huyền bí của Kinh dịch là có thể dùng nó để làm kim chỉ nam cho một sự việc, sự vật, vấn đề...trong tương lai mà chúng ta chưa nắm bắt được. Nó theo nguyên tắc "hữu vật, hữu khí", tức có vật ắt có khí. Nếu ta nắm được cái khí ấy thì sẽ biết được mộ phần của vật chất đó thông qua một công thức ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Các khí này giúp ta xây dựng một đồ thức của Chu dịch mà dân gian gọi là "dịch quẻ". Cuộc đời làm khảo cổ ông Truật đã dùng nó rất thành công. Ông được xem là người duy nhất dùng Kinh dịch để giải mã những bí ẩn mộ và thu được hiệu quả hơn cả mong đợi. |
Kỳ Anh
(Còn nữa)