Báo VietnamNet đưa tin, theo tài liệu nghiên cứu văn kiện hội nghị TW 7 của ban Tuyên giáo TW, tiền lương giáo viên trong chế độ tiền lương hiện hành cao nhất trong khu vực hành chính sự nghiệp.
Theo phân tích của ban Tuyên giáo TW, lương giáo viên cao hơn lương của bác sĩ, chuyên viên các cơ quan Nhà nước, và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang.
Cụ thể, so sánh tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự (có mức lương cơ bản là 2,34 x 1,3 triệu đồng/tháng = 3,042 triệu đồng/tháng) thì tiền lương/tháng (gồm lương cơ bản cộng phụ cấp) của cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan công tác ở địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (là xã đặc biệt khó khăn được áp dụng phụ cấp đặc biệt 100%, phụ cấp thu hút 70% và phụ cấp khu vực 0,7) như sau:
Chuyên viên bậc 1 (tốt nghiệp đại học hết tập sự) được hưởng 9,883.9 triệu đồng/tháng (hưởng 25% phụ cấp công vụ); chuyên viên bậc 9 được hưởng 20,008.3 triệu đồng/tháng.
Bác sĩ bậc 1 (tốt nghiệp đại học, hết tập sự) được hưởng 11,252.8 triệu đồng/tháng (hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề 70%); bác sĩ bậc 9 được hưởng 22.921.300 đồng/tháng.
Giáo viên trung học phổ thông bậc 1 (tốt nghiệp đại học hết tập sự) được hưởng 11.252.800 đồng/tháng (hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề 70%); giáo viên trung học phổ thông bậc 9 được hưởng 24.475.360 đồng/tháng (được hưởng phụ cấp thâm niên nghề 24%).
Thiếu úy (tốt nghiệp đại học) được hưởng 17.017.000 đồng/tháng; trung tá được hưởng 27.937.000 đồng/tháng (hưởng phụ cấp thâm niên nghề 20%).
Như vậy, tiền lương của giáo viên (gồm lương cơ bản cộng với phụ cấp) là cao nhất trong khu vực hành chính, sự nghiệp, chỉ thấp hơn lực lượng vũ trang cùng công tác trên địa bàn.
Trước đó, như tờ Zing.vn thông tin, tháng 11/2017, bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, trong đó có hai vấn đề nổi bật là đề nghị xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn giảm học phí tới cấp THCS.
Hai nội dung này thu hút sự quan tâm, kỳ vọng lớn của đội ngũ giáo viên, cũng như xã hội. Tuy nhiên, bản báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đã nhận được ý kiến của 22 bộ, ngành, trong đó chỉ có 7/22 cơ quan đồng ý.
Đặc biệt, 2 nội dung đề xuất liên quan tăng lương giáo viên và miễn học phí học sinh THCS không nhận được sự đồng tình của bộ Tài chính và bộ Nội vụ do ngân sách hạn hẹp, và sau đó đã bị loại ra khỏi dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Việc này đã gây không ít hụt hẫng đối với lực lượng giáo viên. Báo diện tử VOV dẫn lời PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nêu quan điểm rằng: Để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, trong khi ngân sách Nhà nước chưa đủ để đồng loạt tăng lương cho giáo viên thì Quốc hội nên xem xét trước tiên tăng lương giáo viên giảng dạy ở những khu vực, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...
Còn những giáo viên đang giảng dạy ở các tỉnh, thành phố lớn thì nên giãn tiến độ, kéo dài thời gian tăng sau.
H.Y (tổng hợp)