Có một "câu chuyện rất đẹp" trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, mà bất cứ bạn đọc nào cũng thấy ấm áp, giữa đời sống xã hội còn nhiều bất an.
"Vật cản" sự phát triển
Đó là chuyện đại úy- nhà báo Vũ Văn Hiệp (Báo Biên phòng), đang theo học tại ĐH Chỉ huy- tham mưu New Zealand, người đã phát hiện tấm bản đồ được treo tại phòng họp của nhà trường, ghi chú quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) có chữ "China". Để cuối cùng tấm bản đồ sai sót nghiêm trọng trên đã bị nhà trường gỡ bỏ (Tuổi trẻ, 03/09).
Có lẽ, đó là hành động "kỷ niệm" đẹp nhất, của một nhà báo- người lính, phản chiếu lòng yêu nước của hàng triệu người dân Việt, trước chủ quyền độc lập quốc gia đang bị đe dọa, biến thành ý thức, tâm thức thường trực bất cứ nơi đâu, dù họ sống ở quê hương hay xa xứ.
Cho dù có hàng nghìn năm lịch sử, năm 2013 này, nước Việt độc lập tự do mới gần 70 tuổi.
Với đời người, gần 70 là tuổi già lão, tuổi của sự trải nghiệm, chín chắn, quá biết "mệnh trời".
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” diễn ra vào tháng 8/2013 tại dinh Thống nhất (TP.HCM).
Nhưng với đời một quốc gia, đó vẫn là tuổi quá... trẻ. Bởi nước Việt những tháng năm này vẫn đang trên hành trình "tự đổi mới" để có thể hội nhập với thế giới văn minh hiện đại. Thách thức đến với nước Việt, không chỉ là sự phát triển, mà còn gay gắt hơn, khốc liệt và sinh tử hơn.
Đó chính là chống lại sự tha hóa (thoái hóa, hư hỏng) đang có xu hướng trầm trọng trong xã hội. Mà hệ lụy nhãn tiền là tụt hậu quá xa so với các quốc gia khác, thậm chí có nguy cơ đe dọa độc lập, chủ quyền dân tộc.
Sự tha hóa có diện mạo hắc ám- chính là "quốc nạn" tham nhũng, nhóm lợi ích, đang chọc trời khuấy nước mặc dầu...
Sự tha hóa đó được Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an), dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu, quan sát tiến trình phát triển của nhiều quốc gia có thể chế chính trị- kinh tế- xã hội khác nhau, gọi thẳng tên- "kẻ thù lớn nhất", nguy hiểm lớn nhất chính là sự tha hóa của cơ quan công quyền. (Dân Việt, ngày 02/09)
Ở góc độ một chính khách, từng vào sinh ra tử nơi chiến trường và đấu trí trong các cuộc "hội đàm" những năm 70, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó CT nước nhận diện: Nhóm lợi ích" chỉ có thể xuất hiện ở những nơi nắm quyền lực, những nơi nắm tài sản....Một khi đã hình thành các "nhóm lợi ích" không thể có đoàn kết và thống nhất ý chí được, đó cũng là mầm mống của sự chia rẽ và phân hóa.
Còn ông Ngô Minh Giang (nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh, Ban Nội chính Trung ương) gọi thẳng bản chất: Tham nhũng bây giờ tinh vi hơn, rộng lớn hơn, khủng khiếp hơn, nó đang tạo ra nhóm lợi ích chính trị và kinh tế. Hai nhóm này cấu kết với nhau, đặc biệt là hiện tượng nhóm chính trị cấu kết với các đại gia để tham nhũng (Kien thuc. net, ngày 25/08).
Gần 70 năm trước đây, nước Việt can trường, đoàn kết một lòng để chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền tự do dân tộc. Gần 70 năm sau, "giặc" tham nhũng, nhóm lợi ích..., đã khiến người Việt mất đi một cái gì đó quá lớn- niềm tin. Có gì xa xót, mất mát lớn hơn thế?
Sự tha hóa được nhận diện, vạch mặt chỉ tên cụ thể. Và minh họa cho sự tha hóa đó cũng cụ thể không kém.
Dư luận xã hội chưa qua được cơn "choáng" về lương khủng của các quan chức tại 04 doanh nghiệp công ích tại t/p Hồ Chí Minh: Công ty Thoát nước đô thị, Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn và Công viên cây xanh, ngang nhiên xâm hại quyền lợi hàng trăm người lao động.
Mới đây, lại có thêm 08 DN công ích (vốn 100% Nhà nước), mà cách xâm hại quyền lợi của người lao động cũng na ná như 04 bạn "đồng nghiệp" kia. "Mô hình"... tha hóa của mấy sếp này rất giống nhau.
Đó là dựa vào vốn Nhà nước, nhưng họ chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 03 tháng cho người lao động, mặc dù những người này đủ điều kiện ký hợp đồng dài hạn. Dùng quỹ tiền lương chung của người lao động chi trái nguyên tắc cho chính mình và thuộc hạ. Cái câu của người, phúc ta hóa ra là câu thành ngữ được các quan chức các DN này... quán triệt triệt để.
Ảnh minh họa.
Còn ôngJairo Acuna-Alfaro, Cố vấn chính sách về chống tham nhũng của UNDP Việt Nam, cho rằng chuyện lương khủng ở các DN công ích cho thấy những "khoảng xám" trong chính sách tiền lương. Liệu đây có phải mới là bề nổi của một tảng băng?
Được biết, các vị quan chức của 04 DN nói trên đã bị đình chỉ chức vụ, và t/p sẽ thu hồi số tiền chi sai của các vị này, nhưng không thu hồi một đồng nào tiền lương đã chi cho người lao động. Những người lao động bị tước đoạt quyền lợi chính đáng được khôi phục quyền lợi và phải được bồi thường. Đây là một cách giải quyết hợp lý, hợp tình.
Ở góc độ của quy luật phát triển, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ ra sự cần thiết và tất yếu để cho mỗi quốc gia đang khủng hoảng, có thể "bước chân" ra khỏi vũng lầy yếu kém, tụt hậu. Đó là mỗi lần khủng hoảng, họ lại nghiến răng chịu đau, nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Đó chính là sự cải tổ, điều chỉnh, tự đổi mới chính mình
Còn ở xã hội ta, con bệnh tha hóa đang hoành hành. Nhưng ai phải chịu đau, chịu thiệt vì căn bệnh này, nếu không phải là nước Việt, và hàng triệu người dân lao động một nắng hai sương?
Đất nước nào cũng có pháp luật là nền tảng điều chỉnh hành vi con người, có những chế tài răn đe, xử lý thậm chí trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội. Người ta chưa quên, năm 2009, tại Lâm Đồng, 03 người nông dân ăn cắp 02 con vịt để nhậu, bị kết án tới ... 13 năm tù.
Thế nhưng, cũng pháp luật đó, đối với tội trạng tham nhũng xét xử thế nào? Theo báo Pháp luật t/p HCM, ngày 30/8, tại cuộc họp giữa Ủy ban Tư pháp QH với đại diện các cơ quan pháp luật TƯ mới đây, ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, giám sát một số địa phương, có tỉnh như Ninh Bình, 02 năm xử được 09 bị cáo về tội tham nhũng thì 08 bị cáo được hưởng án treo.
Trong số này, có trường hợp hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Thế nhưng tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, kéo mức án tuyên thấp dưới khung hình phạt, làm cơ sở để cho án treo, mà ông Nguyễn Mạnh Cường cho là rất "bất thường".
Chả lẽ, tội tham ăn (nhậu) của mấy nông dân ít học lại "nguy hiểm" hơn tội tham nhũng? Nếu vậy, thì không chỉ Luật Hình sự cần xem lại các chế tài, mà khái niệm "nguy hiểm" trong từ điển tiếng Việt cũng cần định nghĩa lại.
Còn ông Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, tòa án các cấp đang cố tình hiểu sai, áp dụng có lợi cho tội phạm tham nhũng. Hiểu sai do trình độ xử án kém, do "lương" trả cho các quan tòa kém, hay thần Công lý bị bịt mắt? Câu hỏi này, các quan tòa nước Việt cũng nên trả lời, trước hết là với...tòa án lương tâm!
Ở một góc độ khác, công khai minh bạch là một tiêu chí, được "luật hóa" bằng điều 53 Luật Phòng chống tham nhũng, nhằm công khai, minh bạch tài sản các cán bộ, quan chức. Nhưng tổng kết của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai còn mang tính hình thức; kê khai thu nhập bằng tiền hầu như không thực hiện được. Đặc biệt, lại không có chế tài xử lý những trường hợp kê khai gian dối.
Chỉ hai tiêu chí, pháp luật có chí công vô tư không, và sự công khai minh bạch, trong thực tế có thực chất không, đủ hiểu người dân Việt còn phải chung sống với sự tha hóa dài dài.
Mức lương của các sếp DN công ích gây choáng váng.
Nhìn ở góc độ triết học, cùng quy luật đời sống, những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích mới chính là "vật cản", là chướng ngại vật to lớn trên hành trình phát triển của dân tộc.
"Điều còn mãi"- vì ai?
Nhưng cũng trong dịp Quốc khánh 2/9, lại có một "câu chuyện rất tồi tệ" xảy ra, gây bất bình cho xã hội, tới tận hôm nay vẫn chưa ngã ngũ.
Hàng trăm người dân các xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định)- tỉnh Thanh Hóa, phải tập trung quanh khu vực Công ty Nicotex Thanh Thái "Ăn ngủ cùngkho thuốc trừ sâu" (Dân trí, 04/09) để "canh giữ" hiện trường, khi họ phát hiện ra một việc tày trời của công ty này. Đó là có tới hàng chục điểm chôn lấp thuốc trừ sâu dưới lòng đất trong khuôn viên công ty.
Trong khi, toàn bộ hộ dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm, Yên Lâm đều sử dụng mạch nước nguồn ngay cạnh sát công ty để ăn. Gần 10 năm trở lại đây, tại thôn Thắng Long (xã Yên Lâm) có hơn 30 người tử vong vì bệnh ung thư.
Con số người mắc bạo bệnh có liên quan gì tới vụ việc ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp thuốc trừ sâu trong lòng đất không, chưa rõ. Nhưng chắc chắn, sự ... "ô nhiễm" về tư duy, về ý thức, về lương tâm và cách hành xử ảnh hưởng tới sự an lành, an sinh của người dân, của Công ty Nicotex Thanh Thái, là quá nặng.
Vụ việc người dân tràn vào cả khuôn viên công ty đào bới tìm kiếm "vật chứng" tội ác, có phần thái quá của sự bức xúc. Tuy nhiên, nó nói một điều rất đáng buồn- người dân cô đơn quá- khi họ không còn có thể trông chờ vào một động thái tích cực nào của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng bảo vệ cho quyền lợi, cho sự sống an lành của họ. Cái khẩu hiệu "Vì dân" mà các bác hay phát biểu- không biết đang cất giấu ở đâu?
Trước đó, xã hội chưa quên vụ người dân làng xã Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương), đã phải tự lập "chiến lũy", đối đầu chống lại công ty Trường Khánh, chuyên sản xuất sản xuất Pro Niken, thứ hóa chất dùng trong mạ hợp kim, khiến môi trường sống của họ bị đe dọa, vì họ cũng cô đơn quá.
Giờ, đến lượt người dân các xã thuộc Cẩm Thủy, Yên Định lại đi theo con đường mòn ấy của người dân huyện Kinh Môn.
Cô đơn, vì người dân các xã cho rằng, trong vụ việc này, có dấu hiệu cơ quan chức năng bao che cho công ty, ngăn cản họ, dù họ phát hiện có tới 15 phuy hóa chất không rõ nguồn gốc còn bám đầy đất đỏ tươi bên ngoài vỏ phuy, đang được công ty đưa đi tẩu tán.
Cô đơn, vì từ 15 năm nay, người dân đã kêu cứu. Nhưng không biết các cơ quan chức năng... anh có nghe thấy chúng em nói gì không?
Để đến khi vụ việc vỡ lở, bùng phát dữ dội, mới thấy các cơ quan chính quyền các cấp, tích cực vào cuộc. Từ UBND tỉnh chỉ đạo, đến Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương, sớm làm rõ những vi phạm của Công ty NicotexThanh Thái, đồng thời có hướng khắc phục cho người dân. Sớm, nhưng thật ra là quá muộn!
Tệ nhất, là năm nào Sở TN- MT Thanh Hóa cũng đều có các đoàn lên kiểm tra mỗi năm/ lần, nhưng lần nào cũng... báo trước. Và theo ông Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường: Năm nào cũng thanh - kiểm tra, nhưng ngoài tường rào (!) (Lao động, ngày 04/09).
Bản chất của vụ việc "chôn lấp" thuốc trừ sâu này là gì? Xin hãy nghe ý kiến của ông Lâm Vĩnh Ánh (Cục Kỹ thuật, Binh chủng Hoá học- Bộ Quốc phòng):
Việc tự ý chôn lấp nêu trên của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái sẽ gây nguy hại cho môi trường, nhất là khi gặp mưa chất độc sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Nếu DN xử lý kỹ thuật rồi mới tiến hành chôn lấp, thì việc làm đó phải được cơ quan chức năng biết và tiến hành kiểm tra, đánh giá xem việc xử lý đến đâu, có đạt các tiêu chuẩn quy định không. Tuy nhiên, có thể do việc tiêu hủy theo phương án chôn đốt khá tốn kém (khoảng 25-50 triệu đồng/tấn) nên DN đã "trốn" việc tiêu hủy theo đúng quy trình mà tự chôn lấp.
Điều còn mãi 2012.
Người viết không bình thêm điều gì nữa, vì tất cả sự tha hóa của những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích, cho đến chuyện chôn lấp hóa chất độc hại, bất kể số phận, tính mạng người dân ra sao, cũng chỉ tàn nhẫn xoay quanh mỗi chữ tiền mà thôi.
Số phận dân tộc Việt những năm tháng này, sao gieo neo?
Nhưng trong buổi chiều ngày lễ Quốc khánh 02/09, cũng có một sự kiện trang trọng, đem lại ấn tượng sâu sắc. Đó là buổi hòa nhạc Điều còn mãi của báo VietNamNet tổ chức thường niên, đến nay đã tròn 05 năm. Buổi chiều đó, dưới Thánh đường Nhà Hát Lớn, những bản nhạc giao hưởng thuần Việt bi tráng, những ca khúc thấm đậm tình đất nước, tình dân tộc, tình yêu con người như vỗ cánh bay lên, gửi một thông điệp sâu sắc cho nhân gian.
Rằng, sự tha hóa có thể vẫn tiếp diễn, nhưng lắng đọng trong tâm thức, ngấm sâu trong ý thức hàng triệu người Việt, như nhà báo- người lính Vũ Đức Hiệp, đó là chủ quyền độc lập, là lợi ích dân tộc phải được đặt trên hết.
Có thế, dân tộc Việt mới có thể đi qua những tháng năm khổ đau này, mà vượt lên, trường tồn và phát triển!
Theo Tuần Việt Nam