Đó là nhận xét của thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Đức Chính trong cuộc tổng kết năm năm thực hiện Luật Luật sư cho khu vực các tỉnh phía Nam, báo Pháp luật TP.HCM cho biết.
Cũng theo báo này, ông Lê Văn Nga (Trưởng phòng Nghiệp vụ Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) có ý kiến, tuy số lượng phát triển nhanh nhưng tỷ lệ luật sư trên số lượng người dân còn rất thấp (1/14.000). Dù tỷ lệ thấp như vậy nhưng số luật sư có việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định lại không nhiều. Nhiều luật sư thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống bởi nhu cầu cần luật sư của người dân còn thấp.
Luật sư Vũ Bá Thanh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết thêm, hiện nay ai cũng nhận thấy các quy định của chúng ta rất tiến bộ, rất thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì lại hoàn toàn khác. Việc quy định và thực thi còn có sự vênh nhau. Do vậy, sửa đổi Luật Luật sư lần này, các nhà làm luật cần tạo ra môi trường pháp lý thích hợp để nghề luật sư phát triển.
Luật sư Phạm Hồng Hải (VP luật sư Phạm Hồng Hải) tranh luận tại một phiên tòa - Ảnh minh họa
Đồng tình, luật sư Trần Mỹ Thoa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận việc một số cơ quan tố tụng, cán bộ tố tụng trong quá trình làm nhiệm vụ cố tình gây khó khăn, cản trở hoạt động của luật sư là có thật. Tình trạng này phải sớm được khắc phục…
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nêu ra một sự khập khiễng, để trở thành luật sư, một người phải trải qua rất nhiều giai đoạn với những thủ tục chặt chẽ như phải là cử nhân luật, phải qua khóa đào tạo nghề luật sư, phải tập sự hành nghề luật sư…
Thế nhưng Bộ luật TTHS lại đặt quyền bào chữa của luật sư chung với bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo - những người không qua đào tạo như luật sư. So sánh hai chế định này thấy rằng chưa phù hợp.
Ông Lê Văn Nga đồng tình và đề xuất trong lần sửa đổi sắp tới nên bỏ hẳn chế định giao quyền bào chữa cho bào chữa viên nhân dân; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…
Luật sư Trần Mỹ Thoa nêu thêm một bất hợp lý khác. Luật cho phép một số người có thể chuyển sang làm luật sư mà không qua đào tạo. Do vậy có thực trạng là những cán bộ tố tụng bị kỷ luật chuyển sang làm luật sư khiến không ít người bảo nghề luật sư như là một “thùng rác”.
Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM thống nhất không nhận bất kỳ người nào vì bị kỷ luật mà chuyển sang làm luật sư. Tăng số lượng luật sư là một yêu cầu chính đáng nhưng số lượng phải đồng bộ với chất lượng. Không thể vì chỉ tiêu đã đặt ra mà tăng ồ ạt, bởi nếu như vậy thà không tăng còn hơn…
Theo bà Ngô Minh Hồng (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), sau năm năm thi hành, Luật Luật sư hiện đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, quy định về việc miễn, giảm đào tạo và tập sự hành nghề hiện chưa phù hợp. Cần nghiên cứu việc trở thành luật sư bắt buộc phải qua thời gian tập sự, chỉ có một số đối tượng nhất định mới được miễn đào tạo nghề luật sư.
Người tập sự luật sư cần được thực hiện một số hoạt động nghề nghiệp phù hợp dưới sự giám sát của người hướng dẫn. Cần quy định cụ thể về trách nhiệm của những người có chức vụ, quyền hạn trong trường hợp có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
BTV