Vào mùa nắng nóng như hiện nay, dọc các tuyến đê biển mùi tanh hôi nồng nặc rất khó chịu ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và đời sống của người dân.
Với chiều dài 12km bờ biển, Hậu Lộc có rất nhiều tiềm năng về phát triển ngành kinh tế biển của tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, các ngành dịch vụ hậu cần nghề biển đang được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây tình trạng ô nhiễm ở khu vực bãi biển thuộc các xã: Đa Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Chất thải và nước thải sinh hoạt đang “tuồn” ra biển ngày một nhiều hơn. Nghiêm trọng nhất là bãi biển thuộc xã Ngư Lộc, hầu như đi dọc bờ biển chỗ nào cũng thấy rác thải bốc mùi hôi thối. Riêng ở xã Ngư Lộc hằng ngày thải ra môi trường gần 2 tấn rác thải các loại và cùng với khoảng 600m3 nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt khác.
Chính vì đất chật người đông nên xã Ngư Lộc không có quỹ đất để quy hoạch làm bãi đổ rác thải tập trung, mặc dù chính quyền địa phương đã có quy định cấm đổ rác, nước thải sinh hoạt ra ngoài môi trường cũng như đã xử phạt hành chính một số trường hợp nhưng do đất chật nên buộc người dân phải thải trực tiếp ra biển. Bên cạnh đó, lãnh đạo xã cũng mở những lớp học tuyên truyền, giáo dục người dân nên có ý thức xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp. Đồng thời, xã Ngư Lộc cũng đã xây dựng đội chuyên đi thu gom rác thải, để về phân loại nhưng do không có nhà máy xử lý rác nên chỉ có thể phân loại một số loại rác hữu cơ còn bao nhiêu mang ra biển đổ.
Trận địa rác dọc các tuyến đê biển.
Cô Bùi Thị Lan (41 tuổi – công nhân thu gom rác) cho biết: “cả đội có 10 người do xã thành lập để thu gom rác trong toàn xã, cứ vào sáng sớm hay chiều muộn là đội 10 người của cô chia nhau đi tới các con hẻm để thu rác mang ra biển”. Khi hỏi về tác hại của rác ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của nhân dân thì cô nói không còn cách nào khác đâu, chúng tôi cũng khổ lắm chứ trước kia ở bãi biển này sạch lắm nhưng mấy năm nay bãi biển này rác chất thành đống, màu nước biển cũng đen ngòm, hôi tanh lắm.
Rác thải vứt tràn lan với đủ loại túi nilon, chai lọ, xác động vật chết… bốc mùi nồng nặc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Theo số liệu thống kê của Phòng Y tế huyện Hậu Lộc, hàng năm ở các xã vùng biển có tới hàng trăm ca mắc các căn bệnh về đau mắt, tiêu chảy, khó thở… Ô nhiễm môi trường biển không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn làm cho môi trường sinh thái nơi đây ngày một suy giảm, rừng ngập mặn mới trồng cũng chết, hải sản ngày càng giảm.
Một số sinh hoạt vẫn diễn ra ngay trên đống rác.
Được biết, năm 2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án Xây dựng công trình xử lý rác và chất thải ở các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc với mức kinh phí lên tới 9 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã giải phóng 3,2ha đất ở xã Minh Lộc nhưng chỉ mới xây được hệ thống đường vào, tới nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Vấn đề ô nhiềm môi trường biển ở Hậu Lộc bao giờ mới được giải quyết trong khi đời sống nhân dân nơi đây đang còn nhiều khó khăn. Mà người dân trong đang hàng ngày sống chung với đủ loại thứ độc hại, còn biển thì đang ngày một “chết” dần đi vì ô nhiễm. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để trả lại sự trong lành cho môi trường nơi đây.
Theo Kinh tế nông thôn