Gần đây, nhiều người rộ lên thông tin quả lựu có tác dụng chữa bách bệnh. Đặc biệt là lựu nhập khẩu từ Ai Cập, thành phần, dinh dưỡng cao hơn gấp nhiều lần(?). Thế nên, dù giá cả có đắt đỏ, không ít người vẫn 'nghiến răng' mua về dùng.
Ghi nhận của PV tại thị trường Hà Nội, quả lựu “khổng lồ” này có giá 350 ngàn đồng/kg. Một quả lựu Ai Cập có trọng lượng từ 5-9 lạng.
Hiện, loại lựu này được bán khá phổ biến trên mạng. Người bán cam kết hàng xách tay, người mua muốn thưởng thức phải đặt trước vài ngày. Chị Lê, một người bán hàng qua mạng cho hay, lựu Ai Cập ăn không ngọt đậm như của Trung Quốc mà có vị ngọt mát xen lẫn vị chua rôn rốt rất ngon. Vì thế, lựu Ai Cập mới có giá đắt gấp 20 lần so với lựu Trung Quốc bán đầy ngoài chợ.
Lựu Ai Cập được quảng cáo chữa được nhiều bệnh.
Cũng theo tiếp thị của chị Lê, lựu là hoa quả nổi tiếng ở Ai Cập. Nó biểu trưng cho khả năng sinh sản, bởi trong lựu có chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho phụ nữ mang thai. Không những thế chị Lê còn cam kết, lựu có thể chữa bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính ở người già, trĩ ra máu, và chữa bệnh tiêu hóa ở trẻ.
'Chỉ cần lấy hạt lựu ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ, người già sẽ không còn thấy khó thở vì viêm phế quản. Đối với trẻ thì có thể ép lấy nước và pha thêm với đường cho trẻ uống sẽ rất hiệu quả', chị Lê nói.
Trước thông tin, lưu có thể chữa bệnh, PV đã liên hệ với các chuyên gia Đông y thì nhận được câu trả lời, cây lựu còn có tên: Thạch lựu, thừu lựu (tên khoa học: Punica Gracinatum L). Ở Việt Nam, cây lựu được trồng nhiều để lấy quả ăn, làm thuốc và làm cảnh. Cả cây lựu đều làm thuốc chữa bệnh. Từ xưa quả lựu được ca tụng về cả 2 phương diện dinh dưỡng và trị liệu.
Theo các chuyên gia Đông y, dịch quả lựu chứa acid citric, ac.malie, các đường glucoza, fructoza, mantoza…Vỏ quả chứa nhiều tanin, granatin, hoạt chất peletierin, izopeletierin, ac.betulic, ac.usolic và iso quercetin. Nước ép lựu cung cấp kali, vitamin C và các chất chống ôxy hoá quý.
Theo kinh nghiệm Đông y, vỏ quả vị chua, chát, tính ấm, chỉ tả, chỉ huyết, khử trùng. Vỏ thân, vỏ rễ vị đắng chát, tính ấm, sát trùng. Vỏ thân rễ dùng tẩy sán.
Lương y Dương Văn Phong cho hay, về thành phần hóa học, mỗi bộ phận trên cây lựu chứa một số hoạt chất khác nhau, đều rất có ích cho sự phát triển của cơ thể. Chẳng hạn, quả lựu chứa nhiều kali, vitamin C và các chất chống oxy hóa.
Trong Đông y, vỏ quả lựu (gọi là thạch lựu bì) có vị chua, chát, tính ấm, chỉ tả, lương huyết, khử trùng. Vỏ thân, vỏ rễ có vị đắng chát, tính ấm, sát trùng nên thường được dùng để tẩy sán. Với các thành phần như vậy thì cây lựu có tác dụng cầm máu, sát khuẩn, trừ sán, bổ phổi, ích thận, kích thích ăn uống…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, lựu tốt cho sức khỏe nhưng không có công dụng chữa bách bệnh như đồn thổi. Hơn nữa, lựu có tương tác với một số thuốc dùng trong điều trị tăng huyết áp (nitatin). Do đó nếu dùng phải thận trọng và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa.
Vân An