Trong sử sách khi nói về việc Quan Vũ bỏ Tào Tháo đi tìm Lưu Bị không hề nói rõ là có mang theo hai vị phu nhân hay không.
Nhưng chúng ta đều biết rằng, Lưu Bị khi ở Kinh Châu là ở cùng gia đình, còn sinh ra A Đẩu. Cứ xem thái độ đối đãi của Tào Tháo với Lưu Bị và Quan Vũ thì đủ rõ, Tào Tháo đã cùng thả Quan Vũ và “vợ con tiên chủ”.
Lần cuối cùng là vào năm Kiến An thứ 13, trong chiến dịch Trường Bản, Lưu Bị “bỏ vợ con, cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân,… khoảng hơn mười người ngựa bỏ chạy”.
Cam phu nhân và A Đẩu may mắn được Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi kiếp nạn. Trong các sử liệu không thấy nhắc đến Mi phu nhân, rất có thể đã thiệt mạng trong chiến dịch này. Như vậy, Lưu Bị bốn lần li tán cùng gia đình, trong đó, Lã Bố bắt hai lần, Tào Tháo bắt hai lần.
Truy nguyên nguồn gốc của sự tình dường như đều liên quan đến Tào Tháo. Điều đáng nói là, mọi người thường ca ngợi Lưu Bị trăm lần thất bại cũng không khuất phục, chính bản thân Lưu Bị cũng xác nhận như vậy.
Nhưng cách mà Lưu Bị đối xử với vợ con như vậy hoàn toàn không thể lấy lý do “bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn” để biện minh được. Bởi lẽ, nếu không giữ được cái nhỏ thì chắc gì cái lớn đã giữ được.
Điều đáng nói là hành động bỏ vợ bỏ con chạy lấy thân mình của Lưu Bị hoàn toàn trái ngược với hành động hy sinh tính mạng để cứu con của Mi phu nhân, dù đứa con được cứu hoàn toàn không phải là con của bà ta.
Thực tế, chuyện này phải bắt đầu từ hồi thứ 25 “Đóng Thổ sơn Quan Công giao ước ba điều Cứu Bạch Mã Tào Tháo giải trùng vây”:
Khi đó, Quan Công dẫn binh vào Hạ Phì, thấy nhân dân yên ổn, liền đi vào phủ tìm hai chị, Cam, Mi hai phu nhân khi nghe nói Quan Công tới vội vàng ra nghinh đón. Công ở dưới thềm bái vào nói: “Làm cho hai chị phải thất kinh, thực là tội của mỗ vậy. Hai phu nhân liền hỏi: “Hoàng thúc nay ở đâu?”.
Công đáp: “Hiện không rõ”. Hai phu nhân hỏi tiếp: “Nay nhị thúc định thế nào?” Công đáp: “Quan mỗ ra thành tử chiến bị vây khốn ở Thổ sơn, Trương Liêu khuyên tôi đầu hàng, tôi bèn đặt ra ba điều cùng ước hẹn.
Tào tháo đã đồng ý, nên lui binh cho tôi vào trong thành. Tôi chưa được biết ý của hai chị thế nào chưa dám tự quyết. Hai phu nhân liền hỏi: “Ba việc thế nào?”.
Quan công đem ba việc ở trên mà nói lại một lần. Cam Phu nhân nói: “Đêm qua quân Tào vào thành, ta nghĩ ắt sẽ chết; ai ngờ chúng không hề động tới, một tốt cũng không bước vào cửa. Nay thúc đã quyết rồi hà tất phải hỏi hai chúng ta?
Chỉ sợ sau này Tào Tháo không dung cho thúc thúc đi tìm Hoàng thúc thôi” Công đáp: “Hai chị yên tâm, Quan mỗ đã có cách”. Hai phu nhân nói “Thúc đã có tự quyết, phàm việc gì không phải hỏi hạng nữ lưu như chúng tôi”.
Đoạn nói chuyện giữa Cam, Mi phu nhân đối với Quan Công có thể thấy Cam, Mi phu nhân là sản phẩm điển hình của tư tưởng đạo đức luân lý của Nho gia.
Qua lời “phàm việc gì không phải hỏi hạng nữ lưu như chúng tôi” và “Nay thúc đã quyết rồi hà tất phải hỏi hai chúng tôi?” có thể thấy hai người là những người nhu mì, nhưng lại hoàn toàn thiếu chủ kiến.
Trước tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả sự sống chết của bản thân họ đều do người đàn ông nắm giữ. Những hình tượng phụ nữ như thế là một dạng kí hiệu tồn tại trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Ý nghĩa mà họ mang theo trong tác phẩm văn học vì thế rất nhỏ bé, rất khó để lại ấn tượng gì trong lòng người đọc.
Nhưng những nhân vật này trong chiến dịch Trường Bản lại có một sự cải thiện rất đáng kể. Đặc biệt là hình ảnh cảm động của Mi phu nhân trong hồi thứ 41 của “Tam quốc diễn nghĩa”, Lưu Huyền Đức mang dân qua sông, Triệu Tử Long một ngựa cứu thiếu chủ.
Khi đó, quân Tào trùng trùng vây khốn Lưu Bị, trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, Triệu Vân tìm thấy Mi phu nhân bị trọng thương.
Đối diện với có hội sống sót duy nhất đó, người phụ nữ này nhất định không chịu lên ngựa mà nói với Triệu Vân một cách đầy nghĩa khí rằng: “Thiếp gặp được tướng quân, A Đẩu có cơ hội sống rồi. Hy vọng tướng quân có thể thương xót phụ thân của A Đẩu nửa đời long đong chỉ có mình nó là cốt nhục. Tướng quân có thể bảo vệ đứa con này, dẫn nó đến gặp phụ thân, thiếp có chết cũng không ân hận”.
Mi phu nhân vì bảo vệ sự sống cho đứa con không phải do mình sinh ra sẵn sàng nhảy xuống giếng mà chết.
Một người phụ nữ không mảy may nghĩ đến tính mạng của bản thân để bảo vệ đứa con của người phụ nữ khác, điều này có lẽ chính là nguyên nhân đã khiến Triệu Vân đứng giữa vòng vây của quân Tào nỗ lực không ngừng, cứu được tiểu chủ nhân.
Kết thúc hồi này, La Quán Trung đã đặc biệt ca ngợi Mi phu nhân rằng: “Dùng cái chết để bảo tồn dòng giống họ Lưu, Đấng nam nhi còn thua người phụ nữ trượng phu này”.
Sự đáng kính của người con gái anh hùng can đảm vì đại nghĩa, hiền đức mạnh mẽ này khác hẳn với sự nhu nhược yếu đuối của Lưu Bị ở trên. Đọc đến đoạn này, độc giả không khỏi cảm thấy xúc động.
Một người phụ nữ vì đại nghiệp của chồng mà cam tâm tình nguyện hy sinh khiến cho nhiều đấng mày râu không khỏi thẹn thùng. So với hành động của Mi phu nhân, việc bỏ vợ con chạy lấy thân mình của Lưu Bị sao có thể nói là “bỏ cái nhỏ để lấy cái lớn” được?
Cam phu nhân là một mỹ nữ nổi tiếng thời kỳ Tam Quốc. Sinh ra trong một gia đình nghèo hèn, từ nhỏ Cam thị đã được một người xem tướng nói rằng: “Cô gái này sau này sẽ phú quý vô cùng, được một vị quý nhân nâng đỡ”.
Sau khi Lưu Bị khởi binh tại Dự Châu đã nạp Cam thị làm thiếp. Sau đó mấy người vợ cả của Lưu Bị đều đều qua đời, Cam phu nhân vì thế mà trở thành vợ cả. Sau khi Lưu Bị đến Kinh Châu nhờ cậy Lưu Biểu, sinh hạ được A Đẩu.
Khi đại quân của Tào Tháo truy đuổi quân của Lưu Bị tại Trường Bản Đương Dương, Lưu Bị bèn vứt bỏ vợ lớn lẫn vợ bé.
Hoàn toàn dựa vào một tay Triệu Vân bảo vệ, Cam phu nhân mới thoát khỏi kiếp nạn. Nhưng hồng nhan thì bạc mệnh, sau chiến dịch Xích Bích không lâu, Lưu Bị vừa mới ổn định thì cô “hương tan ngọc nát”, gặp bạo bệnh mất ở tuổi 24.
Cả đời Cam phu nhân theo Lưu Bị chạy đông chạy tây, trôi giạt nghèo khổ tương phản hoàn toàn với dự đoán của người xem tướng thuở nhỏ. Cả đời cô ấy chưa từng được hưởng một chút hạnh phúc nào.
Tương truyền dung mạo của Cam phu nhân khi trưởng thành không giống với những phụ nữ bình thường khác.
Mười tám tuổi đã trở thành mỹ nữ rất được Lưu Bị mê đắm. Lưu Bị thường để cô cùng ở trong trướng lụa, đứng ở ngoài trời mà nhìn, Cam thị giống như tuyết trắng ngưng tụ dưới ánh trăng vậy.
Ở Hà Nam có người muốn lấy lòng Lưu Bị, dâng tặng một tượng ngọc cao ba thước (khoảng 1m), Lưu Bị đem tượng ngọc này để cạnh Cam phu nhân, thường bắt Cam phu nhân trong đêm phải bỏ hết y phục để so sánh với người ngọc ở bên.
Lưu Bị chơi đùa Cam phu nhân không khác gì pho tượng bằng ngọc, thường nói: “Điều quý của ngọc là ở chỗ nó có thể so với cái đức của người quân tử. Hơn nữa lại có thể đẽo tạc thành nhân hình thì khó mà bỏ đi được”.
Sự thanh khiết, nồng ấm của Cam phu nhân và tượng ngọc không có sự phân biệt, mọi người nhìn không biết đâu là người ngọc, đâu là Cam phu nhân. Vì thế Cam phu nhân rất muốn phá hủy tượng ngọc.
Bà từng khuyên Lưu Bị rằng: “Trước đây Tử Hãn không lấy ngọc làm quý, sách Xuân Thu vì thế mà khen ngợi. Hiện tại Ngô và Ngụy đều chưa diệt được, làm sao có thể vui chơi mà quên chí của mình. Phàm là thứ gì sinh ra dâm cảm đều không nên dùng”.
Lưu Bị nghe những lời đại nghĩa của Cam phu nhân mới bỏ tượng ngọc.
Tổng quan mà xét cuộc đời của Cam, Mi phu nhân và vận mệnh của Mi phu nhân cũng có một chút tựa hồ tốt đẹp: từ thiếp lên địa vị một phu nhân, sau khi chết được Lưu Bị phong làm Hoàng Tư phu nhân. Đến khi hậu chủ Lưu Thiện tức vị đã phong bà thành Chiêu Liệt hoàng hậu, để bà hợp táng cùng Lưu Bị.
Nhưng sự tôn vinh này cũng chỉ là nhờ có Lưu Thiện, con của bà, chẳng qua là “phú quý nhờ con” mà thôi.
Đến như Mi phu nhân thì số phận quả thực là bất hạnh. Xét cho cùng thì khi Lưu Bị gặp nạn lấy bà, bà vẫn là chính thất nhưng khi Lưu Bị làm Hoàng đế thì không còn đoái hoài gì đến bà nữa.
Tam Quốc chí của Trần Thọ cũng không lập cho bà một truyện riêng mà chỉ đề cập đến bà trong một câu của Mi Trúc truyện (Trúc dâng em gái của mình làm phu nhân của tiên chủ).
Có thể nói rằng, Mi phu nhân lúc còn sống thì gian khổ, gặp hết kiếp nạn này tới kiếp nạn khác khi chết lại im hơi lặng tiếng.
Thật ra điều này cũng không lấy gì làm lạ, ngay trong Tam Quốc diễn nghĩa Lưu Bị đã từng nói rằng: “Anh em như tay chân, vợ con như quần áo vậy thôi” mà y phục thì hoàn toàn có thể tùy tiện vứt bỏ. Bởi vì “quần áo rách, có thể may cái mới, chân tay bị chặt làm sao mà nối được đây?”.
Nhiều người cho rằng, câu nói này thể hiện khí phách anh hùng, hoài bão kinh bang tế thế của Lưu Bị. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng điều này chỉ thể hiện sự coi thường của Lưu Bị đối với vợ con mình.
Với Lưu Bị, vợ con chỉ giống như đồ vật, tùy lúc, tùy nơi có thể thay được. Chính vì thế, trong cuộc đời mình, Lưu Bị rất nhiều lần bỏ vợ con chạy thoát thân và cũng lấy rất nhiều vợ.
Trước khi lấy Cam, Mi phu nhân, Lưu Bị đã trải qua nhiều đời vợ. Tuy nhiên, trong những năm chiến tranh loạn lạc, vợ của Lưu Bị hoặc chết vì bệnh, hoặc chết vì chiến loạn nên dù là vợ thứ nhưng Cam phu nhân được Lưu Bị giao cho nắm quản mọi việc trong gia đình.
Sau này, ngoài Cam, Mi phu nhân, Lưu Bị còn lấy hai người nữa làm vợ. Một người chính là em gái của Tôn Quyền, sử gọi là Tôn phu nhân. Người còn lại chính là người được Lưu Bị phong làm Hoàng hậu, Ngô thị.
Hôn sự mang màu sắc chính trị này đã được rất nhiều tài liệu nhắc tới. Tuy nhiên, có lẽ ít người được biết tới câu chuyện lấy góa phụ Ngô thị của Lưu Bị.
Ngô Thị từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, trước khi chết, cha của Ngô thị đã gửi gắm cô cho Ích Châu Mục là Lưu Yên.
Lưu Yên nghe thầy tướng số nói Ngô thị có quý tướng, sau này ắt hẳn giàu sang, phú quý tột bậc có thể làm tới hoàng hậu, vì vậy muốn cưới Ngô thị làm vợ.
Tuy nhiên, do Lưu Yên và cha Ngô thị là bạn bè lâu năm, nay lại lấy con bạn thì thật không phải, vì thế, Lưu Yên đành cưới Ngô thị cho con trai mình là Lưu Xương. Lưu Xương sau đó chết sớm, Ngô thị trở thàn góa phụ.
Tới năm 214, Lưu Bị lấy thành Ích Châu, quần thần khuyên Lưu Bị lấy Ngô thị, Lưu Bị nghĩ rằng mình với Lưu Xương là người cùng họ, lấy Ngô thị e không tiện. Tuy nhiên cuối cùng, do quần thần khuyên nhủ, Lưu Bị quyết định nạp Ngô thị làm thiếp.
Vào năm Kiến An thứ 24, sau khi lên ngôi Hán Trung Vương, Lưu Bị lập Ngô thị làm Vương hậu. Tiếp đó tới năm Chương Vũ thứ nhất, Lư Bị xưng đế, lập Ngô hậu làm Hoàng hậu.
Năm 221, Lưu Bị vì trả thù cho Quan Vũ, cất đại quân đánh Ngô, mặc dù Gia Cát Lượng và Triệu Vân hết lòng khuyên can. Liền sau đó ông truyền ngay lệnh khởi quân sang đánh Ngô, cũng không đem Gia Cát Lượng, Triệu Vân hay Mã Siêu đi cùng. Tôn Quyền sai Lục Tốn đứng ra chỉ huy.
Trong trận Di Lăng, quân Thục bị Lục Tốn đánh cho thua to. Lưu Bị thua trận, xấu hổ với nhân dân Thục quốc nên không về triều mà ở tại thành Bạch Đế, rồi buồn bã mà sinh bệnh nặng sau đó chết tại đây.
> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa
Đại Nam
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.