Và cũng từ đây, người đời mới ít nhiều biết về những con người sẵn sàng làm đỉnh núi cho cánh đại bàng từ đó đạp gió vẫy vùng.
Đọc thêm: >Chuyện ít biết về huyền thoại săn bắt cướp Lý Đại Bàng
Một người con thảo hiền
Ba năm sau sự ra đi đột ngột của cậu con trai hiền lành, bà Lê Thị Muôn vẫn thấy lòng nghẹn đắng. Bà bảo: "Thân già mang bệnh tim như tôi còn chưa chết, nó còn khỏe mạnh thế mà đã mất đi, kẻ đầu bạc tiễn đầu xanh". Những giọt nước mắt không thể chảy thành dòng trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn, bà không còn sức để khóc, chỉ biết siết chặt tay phóng viên để tìm sự đồng cảm.
Chị Lý Thị Đồng, người chị thứ 5 của huyền thoại săn bắt cướp Lý Đại Bàng vẫn ở vậy bên người mẹ già gần trăm tuổi. Chị nhìn mẹ với ánh mắt long lanh nước, rồi trách hiền: "Má mới ra viện đó, đừng có khóc nữa, lại xỉu phải nằm lại trên đó thì buồn lắm". Chị quay sang phóng viên giải thích: "Mỗi lần nhắc đến thằng Bàng, má tôi đều không cầm được nước mắt".
Lãnh đạo chia buồn cùng vợ của Lý Đại Bàng.
Trong số các anh chị em trong gia đình, chị Đồng là người sống gần gũi và được Lý Đại Bàng quan tâm, lo lắng nhất. Kỷ niệm của chị về đứa em được mọi người ngợi ca là anh hùng, là huyền thoại của ngành công an với chị chỉ là thằng nhóc con đen nhẻm hiền như cục đất, suốt ngày theo chị cắt cỏ chăn bò. Chị vẫn còn nhớ như in những trưa Bàng chạy vội về nhà sau buổi học, cùng chị túm tụm mấy củ khoai lang luộc rồi dắt bò ra đồng chăn cho đến chiều tối.
Không như người ta, chị Đồng không bao giờ thấy Bàng đem theo sách vở để tranh thủ ôn bài mà vẫn học giỏi lên lớp đều. Chị gặng hỏi mãi, cậu em mới hé lộ rằng: "Em thuộc bài ngày khi thầy mới giảng xong, tối về làm bài tập là được". Lý Đại Bàng chơi với đám trẻ con trong xóm chưa bao giờ để xảy ra xích mích. Mấy đứa trong xóm cứ chọc anh là chị Bảy Bàng vì hiền lành, ít quậy phá, nói chuyện nhỏ nhẹ như con gái, lại thường quấn quýt bên chị gái.
Lớn lên, Lý Đại Bàng vào ngành công an, dồn hết tâm sức để thực thi trách nhiệm bảo vệ bình yên cuộc sống nhân dân. Nhưng anh vẫn không quên bổn phận của một người con, một người em với người mẹ già bệnh tật và người chị gái hy sinh thanh xuân chăm sóc mẹ cho em yên tâm công tác. Bất cứ lúc nào được nghỉ phép, anh lại về ngôi nhà thân thuộc ở Củ Chi chẻ cho mẹ từng cây củi để dành đun nước uống, lợp lại mái nhà để chị gái khỏi mất công tìm thau chậu mỗi lúc trời mưa. Đến khi anh lấy vợ, nơi đầu tiên anh về thăm viếng vẫn là nhà mẹ và câu đầu tiên anh hỏi vẫn chỉ là: "Mẹ khỏe không, chị Năm đâu rồi?...".
Mỗi lần nghe tin mẹ nhập viện, Lý Đại Bàng lại hối hả chạy vào bệnh viện chăm sóc mẹ, rồi lại vội vã lên cơ quan làm việc. Bà Muôn nhớ lại: "Một lần gần tết, tôi lại lên cơn đau tim và phải nhập viện, nó vừa đi làm vừa vào chăm sóc tôi. Ngày tôi xuất viện về nhà thấy ai đó để hoa quả và mấy con cá trước cổng, tôi sai con Năm đem vào nhà, thằng Bàng về nhà thấy vậy, nhất mực dặn tôi, sau này ai cho gì má đừng có lấy, nhà người ta cũng nghèo như mình, ăn của người ta cũng chẳng vui vẻ gì. Má thích ăn gì cứ nói con, con ráng dành dụm tiền mua má ăn. Thấy con mình cương trực không nhận quà cáp lại hết lòng hiếu thảo mà tôi xót cho gia cảnh nghèo khó của nó. Nhưng con đã dặn, tôi không muốn làm trái ý sợ nó buồn".
"Anh Bàng là một người con hiếu thảo và vô cùng chu đáo. Khi anh đi công tác xa, hay đi trinh sát anh không hề thông báo cho gia đình, nhất là người mẹ già mang bệnh tim. Đến lúc về nhà bình an, anh mới xúm xít quà cáp cho mẹ và kể lại chuyện mình đi làm xa", trung tá Nguyễn Hữu Toàn kể về người bạn thân, người đồng đội hơn 20 năm qua.
Anh Bàng không chỉ yêu vợ thương con, hiếu thảo với mẹ già mà còn sống chan hòa, tình cảm với bà con lối xóm. Anh Bàng về đầu ngõ, hàng xóm đã chạy sang hỏi han. Khi được mua căn nhà chung cư giá rẻ ở quận 5, anh ngăn ra cho con gái ở một phòng, một phòng cho người ta thuê để có tiền trang trải việc học cho con. Không ngờ, hai vợ chồng người ở thuê không chịu trả tiền nhà, còn mượn thêm tiền của anh. Sau đó, hai người này chọn lúc trời tối, dọn đi không nói một lời với anh Bàng. Biết chuyện, anh chỉ lặng lẽ dọn dẹp đồ đạc, thuốc bắc mà vợ chồng kia đem bán còn sót lại chia cho hàng xóm, cái nào dùng được thì dùng.
Bà Muôn nhớ lại: "Khi vợ chồng đó quay về, tìm thằng Bàng xin lỗi và hứa trả dần số tiền còn thiếu nhưng nó không nói năng gì chỉ rút tiền ra đưa cho người phụ nữ và nói: "Bà thương con bà thế nào, thì tôi cũng thương con tôi như vậy, bà cần tiền nuôi con, tôi cũng vậy nhưng thôi chuyện qua rồi tôi không đòi nữa. Nắng lên rồi, bà lấy tiền về mua bánh mì cho mấy đứa nhỏ ăn, chắc tụi nó đói dữ rồi". Hai vợ chồng đó chỉ biết cúi đầu khóc rấm rứt và lén ngước đầu nhìn theo dáng thằng Bàng đi khuất".
Bà Lê Thị Muôn, mẹ của AHLLVTND Lý Đại Bàng.
Người chồng thương vợ yêu con
Lý Đại Bàng lấy vợ, vợ anh cũng nghèo như anh, nhưng bù lại chị chịu thương chịu khó. Vợ anh mồ côi từ nhỏ, sống với người chị, nên quanh năm chỉ biết công việc đồng áng, không đi đâu khỏi xóm làng. Chị Nguyễn Thị Rót, vợ anh không xinh đẹp, cũng không lanh lẹ hơn người, nhưng chẳng hiểu sao, ngay lần gặp đầu tiên Lý Đại Bàng đã chọn chị làm vợ. Bà Muôn kể tiếp: "Người ta mai mối đám nào nó cũng không chịu, nhưng khi gặp con Rót mấy lần mà nó lại ưng, cái duyên cái số cả. Phần lớn, thằng Bàng nó nhìn ra được con Rót hiền lành, đảm đang có thể quán xuyến nhà cửa con cái khi nó thường xuyên vắng nhà".
Ngày rước dâu, mấy anh em làm chung đơn vị lên ý tưởng rước dâu bằng xe 67, chiếc xe mà anh Bàng thường dùng để săn bắt cướp. Đoàn xe rước dâu băng qua những cánh đồng khô nứt nẻ, trong tiếng hò reo chúc mừng của bà con lối xóm. Người ta mừng cho anh Bàng lấy được người vợ hiền.
Sau khi lập gia đình, thời gian anh dành cho vợ không nhiều, công việc đòi hỏi anh phải ở lại đơn vị thường xuyên. Thứ bảy, chủ nhật nào rảnh rang anh mới chạy xe máy từ quận 5 về Củ Chi thăm mẹ và vợ. Ba đứa con gái lần lượt ra đời, đồng lương của anh không nuôi nổi vợ con. Vợ anh hiểu vậy nên ở nhà cũng gắng công cày cấy, trồng hoa màu để có tiền trang trải, không bận lòng chồng. Cảnh nhà khó khăn, chồng lại đi làm xa, chuyện nhà một tay chị gồng gánh. Vậy mà, anh Bàng chưa bao giờ nghe thấy một lời trách móc, than vãn hay tủi phận nào của vợ.
Thương người chị lớn tuổi mà không chồng con hay đau bệnh, chị Rót dọn về xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi sống gần để bầu bạn sớm hôm. Về Phước Hiệp, chị Rót được người chị thứ hai cho mấy sào ruộng trồng đậu để lo cho kinh tế gia đình. Anh Bàng được nghỉ phép, ghé về thăm nhà mẹ đẻ ở thị trấn Củ Chi rồi lại tất tả chạy về Phước Hiệp xem vợ con ăn ở có yên ổn, no ấm hay không.
Ở nhà, anh Bàng cũng như một nông dân chính hiệu, xắn quần qua đầu gối, tay thoăn thoắt tưới đậu, miệng nói chuyện cho vợ vui. Với con cái anh chưa một lần nào to tiếng, việc gì anh cũng nhỏ nhẹ chỉ bảo. Công tác nhiều năm nhưng anh vẫn không đủ tiền để mua một ngôi nhà ở gần cơ quan, sau nhờ sự hỗ trợ của đơn vị, anh Bàng được mua một căn nhà chung cư giá rẻ. Ngôi nhà nhỏ anh dành tiền sửa sang để chuẩn bị chỗ ở cho ba cô con gái khi vào đại học.
Lý Đại Bàng qua đời là một cú sốc quá lớn với vợ con anh, chị Rót nửa tin nửa ngờ trước sự thật mà đồng đội anh thông báo. Chị vội vã đến PC17 để nhận xác chồng về mà người như mất hồn. 32 năm anh làm việc mà người vợ như chị chưa hề biết anh làm gì, làm ở đâu, chị chỉ quan tâm anh có khỏe mạnh, có làm gì nặng nhọc, ăn uống có đầy đủ hay không.
Nhớ lại cảnh chị Rót đến nhận xác chồng, trung tá Nguyễn Hữu Tàn bảo: "Anh Bàng thật hạnh phúc và đáng tự hào khi có được người vợ như chị Rót". Anh bảo: "Lúc đó, tôi nhìn chị mà chỉ biết khóc, không thể an ủi một lời nào. Có lời nói nào đủ để vỗ về nỗi đau của người phụ nữ cả đời hy sinh vì chồng".
Được sống và ra đi như anh Bàng là ước nguyện của nhiều người Trung tá Nguyễn Hữu Toàn tâm sự: "Tôi là người trực tiếp tiếp khách trong đám tang anh Bàng. Một đám tang chật cứng người và vòng hoa. Không như những đám tang khác, ngày đưa tiễn anh có đủ mọi loại người từ khách trong ngành, người thân và cả những người không thân thích với gia đình anh. Tôi nhớ nhất là khi bắt tay và chứng kiến những người khách lạ như người dân nghèo, những cụ ông, cụ bà, những người ăn xin thậm chí cả những người đã từng từng bị anh bắt cũng đến chia buồn. Anh đã sống trong tình yêu thương, kính trọng không chỉ của đồng đội, đồng chí mà còn sống trong tình yêu của nhân dân. Được sống và ra đi như anh Bàng là ước nguyện của nhiều người". |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn
(Còn nữa)