Lý do bà mẹ Mỹ chăm con nhàn

Lý do bà mẹ Mỹ chăm con nhàn

Thứ 2, 12/08/2013 14:10

Phải chăm sóc hai bé sinh đôi, bà mẹ trẻ Michelle vẫn có thời gian đọc sách hay làm việc riêng, chứ không phải lúc nào cũng dành thời gian cho con, vì cô tin bố mẹ sống có đam mê của mình thì sẽ có lợi cho đứa trẻ.

Ở trong bếp nhà người Mỹ, trên cánh cửa tủ lạnh, lúc nào họ cũng đính rất nhiều thứ, khi là ảnh chụp khi đi chơi, khi là vật kỷ niệm những nước đã đi qua, khi là cái mở bia, là danh sách đồ cần đi chợ mua, và đôi khi là những khẩu hiệu ngộ nghĩnh.

Một lần, chị Bích Thủy, người Việt Nam sống tại Chicago (Mỹ) dẫn con gái một tuổi rưỡi tới nhà người bạn tên Michelle chơi. Michelle có hai bé gái sinh đôi 2 tuổi, đặt tên là Matilda và Hazel - tên hai nhãn hiệu của một hãng bia có tiếng. Trên cánh cửa tủ lạnh nhà Michelle có 2 cái mở bia mang tên hai cô bé. Bên cạnh đó còn có hình một bức tranh của hãng bia với dòng chữ “Thôi chết, tôi quên không cảm thấy có lỗi rồi”.

Gia đình - Lý do bà mẹ Mỹ chăm con nhàn

Chị Bích Thủy từng xem triển lãm của hãng bia nổi tiếng trên nhưng chưa thấy bức tranh này bao giờ. Chị hỏi Michelle lấy bức tranh này ở đâu thì cô nói: "Rất hay phải không? Tôi dán ở đó để để tự nhắc mình, khi cần…". Lý do là:

Michelle từng thường xuyên cảm thấy rất có lỗi, cảm giác mình không phải người mẹ giỏi, không biết cách nuôi con. Nhưng cô may mắn có hàng xóm là một chuyên gia tâm lý gia đình. Bà đã cho cô những lời khuyên vô giá.

Lời khuyên đầu tiên là công thức 2K: Kiến thức và Kiểm soát. Kiến thức, thông qua đọc sách, web... giúp cô tự tin xử lý vấn đề. Kiểm soát là kiểm soát các cảm xúc như thất bại, xấu hổ, tức giận.

Ví dụ, hồi Matilda và Hazel 2-3 tháng tuổi, nhiều lúc các con khóc inh tai, Michelle cảm thấy stress tới mức suýt không làm chủ được mình và chỉ muốn lắc con thật mạnh để nó ngừng khóc. Nhờ lời khuyên của chuyên gia, cô dùng kiến thức để kiểm tra xem con có đói không, ốm sốt không, có cần thay tã không… Nếu câu trả lời là con vừa ăn, không ốm, tã sạch, mà bế chơi với con con vẫn khóc, người mẹ sẵn sàng để con ở một nơi an toàn như nằm cũi còn mình thì bịt tai đi làm việc khác.

Trước đây Michelle rất hay nghĩ tiêu cực “Sao mình kém thế, không dỗ được con, không biết con muốn gì?” nhưng bây giờ cô có thể tự tin bảo “Con không vấn đề gì. Trẻ con khóc là chuyện bình thường. Mình không có lỗi gì cả”.

Lời khuyên thứ hai bà chuyên gia bảo cô cần thảo luận với chồng và viết ra “phương châm nuôi con”, tức là những điều quan trọng nhất định hướng cho việc David và cô nuôi Matilda và Hazel.

Điều đầu tiên là cả hai sẽ cố gắng để hiểu các điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của con, chứ không áp đặt. Bên cạnh đó, vợ chồng họ đều là người thích khám phá, thích trải nghiệm, trong khi Matilda và Hazel cũng tỏ ra rất tò mò và thích quan sát, nên hai người thống nhất sẽ cố gắng để con được đi nhiều, nhìn nhiều, trải nghiệm nhiều.

Sau khi đã xác định tinh thần như thế thì David và vợ sẽ không buồn vì mình không thể mua cho con một chiếc xe đẩy xịn hay nhiều váy áo đắt tiền. Thay vào đó, họ cực kỳ vui mỗi lần đưa con dạo phố, dạo hồ, đi công viên, thư viện… Matilda và Hazel hiện không béo như một vài bé khác. Nhưng chúng ăn tốt và cực kỳ khỏe mạnh. Thế là cô thấy ổn.

Mùa đông, hai bé đi chơi nhà bạn, lây bệnh, ốm. David và Michelle cũng không phiền lòng hay quay sang đổ lỗi cho nhau. Thay vì nhốt con ở nhà thì hai người đưa ra chính sách để các ông bố bà mẹ chỉ khi con khỏe hãy đưa con đến chơi, đồng thời rửa tay cho con thường xuyên. Sau khi đã áp dụng các biện pháp mà con vẫn ốm thì họ coi đó là chuyện thường, chỉ tập trung chăm con ốm.

Vợ chồng cô cũng nhất quán chuyện 2 bé Matilda và Hazel ngủ cũi dù bọn trẻ lúc nào cũng thích nằm với bố mẹ hơn. Đứa trẻ sẽ hạnh phúc hơn khi bố mẹ chúng có thời gian riêng cho nhau. “Tóm lại là, giờ đây tôi thấy cực kỳ tự do và hạnh phúc, ngay cả khi vật lộn với 2 nhóc tì này”, Michelle cười sảng khoái.

Nói về cách nuôi dạy con của bà mẹ Mỹ này, bà Lê Thị Minh Hoa, chuyên gia tư vấn-trị liệu tâm lý 1088 TP HCM cho rằng, những điều này sẽ giúp con độc lập hơn từ nhỏ, trong khi mẹ vẫn có thời gian cho bản thân. Tuy nhiên, việc bỏ mặc khi trẻ khóc thì nên xem xét lại. Trẻ mới sinh và những năm tháng đầu đời cần nhất sự an toàn. Khi chưa biết nói, mọi biểu hiện không an toàn của bé đều thể hiện qua tiếng khóc. Ngay cả khi kiểm tra bên ngoài, bé không đói, không lạnh, không bị bẩn, nhưng có thể bên trong bé thấy không ổn, con có nỗi sợ hãi và cần được vỗ về. Nếu bị bỏ mặc khóc thật lâu có thể gây chấn thương tâm lý cho trẻ.

Dù vậy, theo bà Hoa, việc bà mẹ Mỹ cố gắng tự giải tỏa, để cảm thấy không có lỗi trước các vấn đề của con lại là điều đáng học tập. Khi thường xuyên dằn vặt bản thân vì con khóc, bệnh… người mẹ sẽ đau khổ, ảnh hưởng đến sức khỏe, suy nghĩ không còn sáng suốt để tìm ra giải pháp cải thiện vấn đề. Hơn nữa, cảm xúc của mẹ cũng ảnh hưởng tới tâm lý, hành vi của trẻ. Trẻ có thể dựa vào đó mà đòi hỏi nhiều hơn, hoặc thấy bất an hơn.

"Ưu điểm lớn nhất trong cách giáo dục của bà mẹ Michele có lẽ là sự thống nhất về 'phương châm' dạy con giữa hai vợ chồng. Đây là một kỹ năng cần có, tạo sự đồng lòng giữa bố mẹ, giúp xây dựng cho con những nguyên tắc từ sớm, đồng thời cũng hạn chế sự cãi vã giữa vợ chồng - điều có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tâm lý trẻ", nhà tâm lý chia sẻ.

Bà cho rằng, việc cho con ngủ riêng cũng giúp cho vợ chồng có khoảng thời gian riêng dành cho nhau. Trong thời gian mang thai sinh nở, quan hệ chăn gối giữa hai người đã hạn chế, nếu sau đó, người vợ tiếp tục chỉ chăm lo cho con, những đứa con luôn nằm chắn giữa cha mẹ, thì khoảng cách vợ chồng có thể càng xa hơn. Ngủ riêng tập cho trẻ thói quen độc lập. Tuy nhiên, tùy từng điều kiện gia đình, có thể sắp xếp hợp lý, cho con ở phòng riêng, hoặc giường riêng chung phòng bố mẹ.

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) thì cho rằng, mỗi phương pháp giáo dục có ưu và nhược điểm riêng và nếu mẹ Việt muốn áp dụng cách nuôi con của mẹ Mỹ thì cần có sự "Việt hóa" để phù hợp với môi trường văn hóa, điều kiện gia đình... của mình, chứ không thể bê nguyên xi.

Ông cho biết, đa số người Mỹ trước khi làm bố mẹ đã được đào tạo kiến thức về dinh dưỡng, tâm lý trẻ em, và trong gia đình, cả bố mẹ, ông bà đều nắm rõ điều này, nên họ cùng thực hiện thống nhất trong môi trường Mỹ. Dù vậy, không phải mọi trẻ Mỹ đều độc lập, phát triển tốt mà không gặp vấn đề gì. Thực tế, cách giáo dục để con tự làm nhiều việc: khóc tự nín, tự chơi… giúp trẻ độc lập sớm nhưng cũng có thể khiến trẻ sinh ra lo hãi, khả năng gắn bó giữa bố mẹ và con cái hạn chế…

"Người Việt coi trọng tình cảm, và cũng muốn giáo dục con là người trọng tình, quyến luyến tình thân. Người Mỹ sống lý trí. Họ muốn con có trách nhiệm với bản thân. Điều này tốt cho sự phát triển của trẻ. Nhưng đôi khi lý trí không giải quyết được mọi vấn đề, chẳng hạn như có khi trẻ khóc không phải vì đói, lạnh mà chỉ vì cần một cái ôm", ông bày tỏ.

Theo VnExpress.net

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.