Từ phóng sự trên ti vi…
Đăng ký hiến tặng mô tạng thời gian gần đây đã được nhiều người biết đến, bởi mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc làm này chính là tiếp thêm sự sống cho những mảnh đời bất hạnh khác.
Và cũng trong những ngày giữa tháng 11, PV báo điện tử Người Đưa Tin được lắng nghe câu chuyện đầy xúc động, ý nghĩa của Ths. Giáo dục Phạm Phúc Thịnh (hiện đang sinh sống tại TP.HCM) về việc thầy và 7 thành viên khác trong gia đình cùng đăng ký hiến tạng.
Chia sẻ về việc biết đến thông tin hiến mô tạng thông qua kênh nào? Và, điều gì thôi thúc cả gia đình thầy đăng ký hiến tạng? Thầy Phạm Phúc Thịnh cho hay: “Cách đây 5 năm, vào dịp giỗ bà, cả gia đình tôi có ngồi quây quần cùng nhau ăn cơm. Khi đó, trên truyền hình đang phát một phóng sự về người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết hoặc chết não cứu sống được nhiều người”.
Từ phóng sự trên sóng truyền hình, cả gia đình của thầy Phạm Phúc Thịnh đã bàn luận sôi nổi về việc đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời. Thầy Thịnh bảo sau buổi gặp mặt quây quần đó, cả gia đình đưa ra quyết định đặc biệt là cùng nhau đăng ký hiến mô tạng.
“Gia đình tôi đã tìm hiểu thông tin, thủ tục đăng ký hiến tạng và có một câu nói mà tôi nhớ nhất khi ấy của một thành viên trong gia đình là: “Nếu thủ tục đơn giản thì mọi người cùng đi đăng ký hiến tạng””, thầy Thịnh chia sẻ.
Một thành viên trong gia đình đã đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bệnh viện Chợ Rẫy để đăng ký hiến tạng trước xem có gặp khó khăn gì hay không? Nhưng, chỉ mất 10 phút là đã đăng ký xong. Thành viên này đã về chia sẻ lại với mọi người và cả gia đình thầy đồng lòng đi đăng ký hiến tạng.
Cả nhà quyết định đăng ký hiến tạng
Khi quyết định đăng ký hiến tạng, thầy Thịnh cho hay, thầy cũng đã chia sẻ với mẹ của mình và được mẹ ủng hộ.
Tuy nhiên, khi thầy cùng 2 người con quyết định đăng ký hiến tạng cũng gặp phải khó khăn trong việc thuyết phục vợ của mình bởi trong suy nghĩ của vợ thầy là “chết phải toàn thây”.
“Tôi đã giải thích với vợ rằng, con người ta đến khi nhắm mắt xuôi tay thì chẳng thể mang theo được gì. Nên, khi biết trái tim hay quả thận của mình có người sử dụng thì xem như mình vẫn tồn tại, sự sống cứ thế được tiếp nối. Vậy là, vợ tôi vui vẻ đồng ý cho ba bố con đăng ký hiến tạng”, thầy Thịnh bộc bạch.
Nhớ lại giây phút đặt bút tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận trên cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời, thầy Thịnh bảo: “Khi quyết định hiến tạng, các thành viên trong gia đình tôi không phút giây chần chừ. Cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay, tôi như vỡ òa cảm xúc. Chúng tôi vui và hạnh phúc vì biết rằng mình có thể làm được điều gì đó có ích cho cuộc sống”.
Thầy Thịnh cũng chia sẻ thêm, sau khi biết câu chuyện 8 thành viên là những người thân trong gia đình thầy Thịnh đăng ký hiến tặng mô tạng, đã có thêm 3 người bạn của thầy Thịnh cũng đăng ký hiến tạng và thầy thấy vui vì điều đó.
Cùng với đó, khi biết được câu chuyện hiến tạng đầy xúc động như bé Hải An hay người mẹ có con chết não Cấn Thị Ngần khiến thầy Thịnh suy nghĩ: “Việc hiến tạng đó đều có chung một suy nghĩ đơn giản là trao tặng cho người khác cái mà mình có thể tặng, không để lãng phí. Đồng thời, thông qua đó, mình vẫn có thể hiện diện trên cõi đời này sau khi đã mất”.