Từ đầu tháng 12/2018, bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes đã không còn ghi danh ông Trần Đình Long, ông chủ của tập đoàn Hòa Phát.
Hiện tại, thời điểm ngày 3/12, danh sách tỷ phú USD Việt Nam chỉ còn 3 người bao gồm: Chủ tịch HĐQT Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng (tài sản được định giá 6,7 tỷ USD, xếp hạng 221 thế giới), CEO Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,6 tỷ USD, hạng 881 thế giới) và Chủ tịch HĐQT tập đoàn Trường Hải, ông Trần Bá Dương (1,7 tỷ USD, hạng 1.332 thế giới).
Ông Trần Đình Long lần đầu được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD vào tháng 3/2018 với tài sản 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới. Forbes khi đó đã mô tả về doanh nghiệp của tỷ phú này: “Hoà Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”.
Thời điểm đó, ông Long và ông Trần Bá Dương là hai gương mặt mới của Việt Nam lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes, nâng số tỷ phú USD ở Việt Nam lên số 4.
Xem thêm: 4 tỷ phú USD Việt Nam giàu cỡ nào?
Việc ông Trần Đình Long rớt khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes là điều đã được dự báo từ trước. Mặc dù vẫn giữ vị thế số 1 trong ngành thép Việt Nam nhưng túi tiền ông Long đã bị sụt giảm đáng kể do giá cổ phiếu HPG của tập đoàn Hòa Phát giảm giá 25% kể từ khi lên đỉnh hồi tháng 3/2018.
Cổ phiếu HPG tụt hạng đến từ nguyên nhân khách quan khi thị trường chứng khoán (TTCK) giảm điểm thời gian qua.
HPG giảm giá còn do thị trường bất động sản không còn sôi động và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi mà Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
“Vua thép” Việt Nam được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump khi quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) . Trên thực tế, lượng thép xuất khẩu của HPG vào Mỹ không lớn. Nhưng việc ông Trump áp thuế cao cũng đã khép lại cơ hội mở rộng xuất khẩu và đảm bảo triển vọng tăng trưởng cao hơn của tập đoàn Hòa Phát. Nó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch dài hạn của Hòa Phát.
Trong thời gian tới, năng lực sản xuất lớn của Hòa Phát là rất lớn. HPG cũng đã đặt kế hoạch hướng tới doanh thu 100 ngàn tỷ (gấp 3 lần 2016) nhờ cú huých từ dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và là nước có chi phí sản xuất thép thuộc loại cao. Việc Mỹ áp thuế sẽ khiến các doanh nghiệp thép Việt khác mất đi một thị trường lớn trong tương lai.
Việc mở rộng sang các lĩnh vực khác, gồm mảng nông nghiệp - không liên quan gì tới thép - có thể cũng sẽ tác động tiêu cực tới tập đoàn này. Gần đây, HPG bạc mặt với quyết định lấn sân sang lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn gia súc trong bối cảnh cả nước đang dư thừa thịt lợn và làn sóng nhập khẩu ngày một cao.
Trong khi đó, một lý do khiến cổ phiếu HPG ngày một rớt giá là việc một số quỹ ngoại bán nhiều cổ phiếu Việt, trong đó có HPG.
Đầu tháng 10, quỹ đầu đầu tư của Đức PENM III Germany GmbH &Co. KG đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng gần 1% vốn. Gần đây, một số cổ đông nội bộ người liên quan tới ban lãnh đạo của tập đoàn Hòa Phát cũng bán ra cổ phiếu HPG trong bối cảnh doanh nghiệp có dấu hiệu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước đó.
Ông Trần Đình Long đang trực tiếp nắm giữ gần 320 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông nắm giữ hơn 92 triệu cp HPG, tương đương tỷ lệ sở hữu 7,3% vốn.
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương, ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán Kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Ông bắt đầu khởi nghiệp với Hòa Phát từ năm 1992, khi thành lập công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát và giữ vị trí Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc công ty.
Từ năm 1996, ông là Chủ tịch HĐQT của các công ty thuộc tập đoàn Hòa Phát.
Năm 2015, ông là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán với tổng tài sản gần 5.500 tỷ đồng. Năm 2016, ông là người giàu thứ 3 với tổng tài sản lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
H.Y