Vừa qua dư luận trong nước liên tục chứng kiến nhiều huyền thoại âm nhạc thế giới tới Việt Nam biểu diễn. Từ thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng Modern Talking cho tới ban nhạc Boney M … tất cả đều được khán giả Việt nồng nhiệt đón nhận.
Trước đó, những ngôi sao hải ngoại lừng lẫy như: Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Trường Vũ … cũng dồn dập về nước biểu diễn với những show diễn bạc tỷ, những khán đài hoành tráng đầy ắp người hâm mộ.
Dù rằng những ngôi sao này đa phần đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, tiếng hát không còn hay, nhan sắc không còn mặn mà nhưng sức hút họ tạo ra vẫn không hề suy giảm.
Trong môi trường giải trí cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, khi một ngôi sao, vì những lý do nào đó mà dần vắng bóng trên sân khấu cũng như trên mặt trận truyền thông thì đồng nghĩa với việc anh ta đã thất bại.
Ấy nhưng nguyên lý đó không phải đúng cho tất cả các trường hợp. Với những ngôi sao đã lên chức ông, chức bà kia, họ vẫn tạo ra hấp lực mãnh liệt dù tiếng hát không còn hay, sức hút không còn lớn và thương hiệu không còn mạnh nữa.
Những ngôi sao mà một thời, đa phần khán giả Việt chỉ biết đến qua những đĩa băng cát sét, qua màn hình tivi và tưởng chừng chẳng thể nào được chứng kiến họ biểu diễn ngoài đời thực ... nhưng lại đang dồn dập tới Việt Nam biểu diễn.
Điều này khiến nhiều người không khỏi hoài nghi. Họ cho rằng việc mời nhóm nhạc Modern Talking, Boney M tới Việt Nam cũng chẳng khác nhiều so với vài năm trước đây, khi chúng ta mời những sao hải ngoại về nước biểu diễn. Đó giống như một đơn thuốc tâm lý liều mạnh vậy!
Tâm lý hoài cổ, “ăn mày dĩ vãng” của khán giả được đem ra lý giải như là nguyên nhân chủ yếu khiến sức hút của những ngôi sao đã “hết thời” vẫn còn nóng hôi hổi. Và dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải thừa nhận, những đơn vị tổ chức đã rất tài tình nắm bắt nhu cầu tâm lý này của khán giả. Khi khán giả đã thõa mãn nhu cầu được nhìn thấy, được xem những ngôi sao hải ngoại biểu diễn tại Việt Nam thì một nhu cầu khác lại được nảy sinh.
Khán giả muốn chứng kiến những ban nhạc huyền thoại, những ca sĩ nổi tiếng thế giới biểu diễn ở ngay đất nước của chúng ta. Đó là một nhu cầu bị kìm nén bao năm qua giờ mới được giải phóng.
Vì thế người viết tin rằng, không chỉ có Modern Talking, Boney M, thời gian sắp tới nhiều ban nhạc nổi tiếng thế giới khác cũng sẽ đến Việt Nam biểu diễn.
Nhưng đến đây, một vấn đề là khán giả đón nhận những ngôi sao đã qua thời đỉnh cao chỉ vì tâm lý tò mò và được thỏa mãn những kìm nén cảm xúc trước kia? Các cụ ta vẫn dạy “có bột mới gột nên hồ”.
Rõ ràng tầm ảnh hưởng của những nghệ sĩ kia phải ở mức nào đó mới khiến cho nhiều người háo hức đến vậy chứ? Có thể giờ đây họ hát không còn hay, trình diễn không còn đẹp nhưng những giá trị họ tạo ra thì luôn còn đó, không những không mất đi mà càng tăng lên theo năm tháng.
Nhiều người đến xem họ biểu diễn, phần vì hoài niệm, phần là vì thỏa mãn đam mê mà trước đây chưa có dịp trải nghiệm. Nhưng quan trọng hơn cả là khán giả muốn thưởng thức giá trị âm nhạc của họ.
Trong nền âm nhạc giải trí hiện nay, “tuổi thọ” của một nghệ sĩ đôi khi chỉ tính bằng tháng, bằng năm. Người xem đã phát ngấy lên vì những chiêu trò, vì những nghệ sĩ tài ít tật nhiều, vì sự quay cuồng của những giá trị ảo nay còn mai mất.
Chúng ta có cảm giác những giá trị mà nền giải trí hiện nay tạo ra giống như những bong bóng xà phòng.
Và trong sự cuống cuồng, nhốn nháo đó, người ta cần một giá trị đủ mạnh để neo những niềm tin về một cái đẹp đủ sức chống chọi với thời gian. Vì thế việc tìm đến những nghệ sĩ đã thành danh không chỉ là một nhu cầu, đó còn là một niềm thôi thúc.
Những người nghệ sĩ đó, giá trị của họ được tạo nên từ cả cuộc đời phấn đấu nghệ thuật cũng như xây dựng tên tuổi. Bởi vậy điều đọng lại nơi khán giả không hẳn là chất giọng hay, những màn biểu diễn ấn tượng mà là những giá trị được xây dựng từ một quá trình.
Và cũng vì thế, người viết tin rằng họ sẽ vẫn được khán giả đón nhận dù đã không còn ngự trên trên đỉnh cao của ánh đèn sân khấu nữa.
Phạm Văn
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả