Lý do các 'ông lớn' ngân hàng 'ngã ngựa'?

Lý do các 'ông lớn' ngân hàng 'ngã ngựa'?

Thứ 5, 14/02/2013 10:00

Năm 2012, hàng loạt quan chức ngân hàng bị cách chức, bị khởi tố, đi tù... vì tham nhũng, nhận hối lộ.

Nguyên tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân bị bắt

Gần đây nhất, ngày 23/1, bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong năm 2012, đã có nhiều thông tin không chính thức cho rằng ông này bị bắt, nhưng đây là lần đầu tiên thông tin được xác nhận.

Bất động sản - Lý do các 'ông lớn' ngân hàng 'ngã ngựa'?

Ông Phạm Thanh Tân

Ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Ông Phạm Thanh Tân đã thôi giữ chức Ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc Agribank từ tháng 7/2011 và nhận công tác tại Văn phòng Ngân hàng Nhà nước theo điều động của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo của Vụ Tổ chức cán bộ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ điều hành Agribank cho ông Trịnh Ngọc Khánh, Phó tổng giám đốc, phụ trách từ tháng 11/2012 đến nay.

Ông Trần Xuân Giá và hàng loạt cựu Phó chủ tịch ACB bị bắt

Ngày 27/9/2012, Bộ Công an cho biết, ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và 3 cựu Phó chủ tịch (Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang) bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế. 4 người này được cho là đồng phạm với ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) và Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB).

4 cựu lãnh đạo ACB bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công an đánh giá, những việc làm của các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Việc này được cho là gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Giá từng làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997-2002. Rời cương vị này, ông làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. Từ 1/10/2006, theo quyết định của Thủ tướng, ông Giá nghỉ hưu, thôi làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Ông gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT.

Ngày 16/9/2012, ACB công bố thông tin chấp thuận đơn từ nhiệm của chủ tịch Trần Xuân Giá (73 tuổi) cùng hai Phó chủ tịch HĐQT là ông Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang.

Trước đó, tối 23/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB.

Theo TTXVN, ông Hải bị bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 - Bộ Luật hình sự, thời hạn tạm giam 4 tháng kể từ ngày 23/8/2012.

Chiều 23/8/2012, ACB ra thông cáo cho biết HĐQT chấp thuận đơn từ nhiệm với lý do cá nhân của ông Hải.

Ông Lý Xuân Hải (SN 1965) tại Hà Nội, hiện sống ở TP.HCM. Ông là thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Paris Dauphine (Pháp), Tiến sĩ Toán – Lý đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus (Belarus). Năm 2002, khi chứng khoán còn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, ông Hải đã được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Từ 2004-2005, ông là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng ACB. Từ năm 1996 đến năm 2002, ông Hải đảm nhận vị trí Phó giám đốc và sau đó là Giám đốc Ngân hàng ACB, chi nhánh Hải Phòng. Từ tháng 6/2005, ông là Tổng giám đốc của Ngân hàng ACB.

Giám đốc, Phó giám đốc BIDV Phú Yên bị cách chức

Ngày 24/4/2012, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh tỉnh Phú Yên, cho biết, Hội đồng quản trị của BIDV Việt Nam đã có quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Công (SN 1956), Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Phú Yên.

Theo quyết định, với cương vị giám đốc BIDV Phú Yên, ông Công chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý hoạt động tín dụng tại chi nhánh, có nhiều sai sót trong điều hành nên dẫn đến phát sinh nợ xấu có khả năng mất vốn, gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

Ngoài ra, BIDV Việt Nam cũng có quyết định cách chức Phó giám đốc BIDV Phú Yên đối với ông Nguyễn Văn Tuyến và cảnh cáo Phó giám đốc Nguyễn Duy Sinh vì có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tài chính - tín dụng.

Theo Kiến thức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.