Tục ngữ có câu “giấy không gói được lửa”, làm chuyện sai trái, lừa dối không sớm thì muộn cũng sẽ bị lật tẩy. Đơn cử như trong câu chuyện của nữ TikToker 27 tuổi người Mỹ có tên Serena Kerrigan.
Mới đây, Serena Kerrigan nhận được nhiều chú ý khi đăng tải lên TikTok đoạn clip mở đầu bằng bức ảnh cô nhận được từ bạn trai. "Khi chàng trai mà bạn đang hẹn hò nói nhớ bạn và rồi bạn nhấn vào phiên bản chuyển động của bức ảnh...", Serena viết.
Có thể thấy trong ảnh là chiếc giường khách sạn trắng tinh, sạch sẽ với một con thú bông đáng yêu đặt trên gối. Theo lời Serena, người yêu của cô có chuyến công tác xa và phải lưu trú tại một khách sạn. Để bạn gái yên tâm, anh ta đã chụp lại phòng khách sạn mình đang ở đồng thời không quên gửi nhắn nhủ yêu thương rằng rất nhớ cô.
Câu chuyện tình yêu của cặp đôi có lẽ vẫn sẽ tốt đẹp nếu như Serena không nhấn vào xem phiên bản chuyển động của bức ảnh và phát hiện sự có mặt của một cô gái tóc vàng lạ mặt đang nằm ngả ra giường với nụ cười hạnh phúc.
Hóa ra bức ảnh mà bạn trai của Serena gửi cho cô là dạng ảnh động (live photo). Chụp ảnh động là chức năng tiêu chuẩn có trên iPhone cho phép tạo ra những bức ảnh chứa cảnh quay khoảng 1,5 giây trước và sau bức ảnh tĩnh. Bạn có thể xem live photo bằng cách giữ ngón tay trên màn hình giống như xem một đoạn clip ngắn.
Vậy là không biết do bất cẩn hay do thiếu hiểu biết mà người bạn trai bội bạc lại tự bóc mẽ việc làm sai trái của bản thân. Rõ ràng, anh ta chẳng giỏi giấu giếm việc mình qua lại với người con gái khác. Bên cạnh dòng chú thích trên TikTok Serena có để biểu cảm đầu lâu đủ để nói lên kết thúc buồn của chuyện tình này.
Đoạn clip của Serena nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với 7,1 triệu lượt xem và 1,3 triệu lượt thích chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều người cho biết sẽ lật lại album ảnh trong điện thoại và nhìn thật kỹ từng bức hình để kiểm tra độ chung thủy của “nửa kia”. Một số ý kiến còn chia sẻ các vài mẹo để phát hiện việc bị “cắm sừng” bằng ảnh động như: "Nếu lưu bức ảnh đó về máy, bạn sẽ kiểm tra được vị trí mà bức ảnh được chụp", "Hãy mở loa to lên biết đâu lại nghe được cả âm thanh của bức ảnh động nữa cơ"... Tuy nhiên số khác thì nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện trong khi đó “khổ chủ” thì khẳng định đó là sự thật 100%.
Minh Hoa (t/h)