Bà Quách Thị Do (SN 1983), trú thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phản ánh, cuối năm 2012, bà này có viết giấy vay của bà Lê Thị Hợp (SN 1957), trú tại thôn Minh Lâm, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc số tiền là 170 triệu đồng, lãi suất là 5.000 đồng/triệu/ngày (lãi suất thỏa thuận miệng, không gia vào giấy vay tiền) để lấy vốn làm ăn kinh doanh. Khoảng 10 ngày, bà Do lại đóng tiền lãi cho bà Hợp một lần. Sau một số lần đóng lãi, do công việc làm ăn khó khăn, bà này không thể đóng lãi được nên tiền lãi được cộng vào tiền gốc và hai bên lại gặp nhau để viết giấy vay tiền mới.
Nhưng, theo CQĐT Công an huyện Ngọc Lặc, từ tháng 10/2012 – 9/2013, bà Do đã vay của bà Hợp tổng số tiền là 540 triệu đồng. Khi đến hẹn thì bà Do khất nợ, rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Không có hồ sơ, chứng cứ để chứng minh việc bà Hợp cho bà Do vay tiền là vãy lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Sau khi khởi tố vụ án, ngày 20/6/2014, bà Quách Thị Do bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Lặc khởi tố bị can về tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Quyết định số 49/CANL. Ngày 15/4/2015, CQĐT đã ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Quách Thị Do.
Tuy nhiên, theo bà Do, sau khi không trả được nợ, bà và gia đình bà Hợp đã gặp nhau, định giá và “gán” căn nhà của vợ chồng bà này đang ở để trừ nợ và đi vào các tỉnh phía Nam xin làm công nhân.
Không lâu sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Lặc đã ra quyết định truy nã bị can Quách Thị Do. Khi bà Do đang làm công nhân tại một công ty chế biến gỗ tại tỉnh Bình Dương thì bị công an bắt giữ. Khoảng một tuần lễ bị tạm giam tại đây, bà Do được di lý về Thanh Hóa tiếp tục tạm giam. Gần 3 tháng sau khi bị bắt giam, bà Quách Thị Do bất ngờ được trả tự do.
Đến ngày 28/12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Lặc đã có Quyết định số 01/CSĐT Đình chỉ điều tra bị can với bị can Quách Thị Do. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Lặc đã có Quyết định số 02/CSĐT Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Quách Thị Do.
Sau khi được trả tự do, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, cho rằng việc mình bị khởi tố, bắt giam là oan sai, bà Do đã có đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền để "kêu oan".
Đến ngày 5/3/2017, Công an huyện Ngọc Lặc, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức cuộc làm việc với bà Quách Thị Do và gia đình để thương lượng liên quan việc bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho bà Do vì bị khởi tố, bắt giam do “sai sót dẫn đến việc sai phạm” của cơ quan chức năng.
Theo nội dung biên bản của cuộc làm việc lập lập ngày 5/3/2017 giữa cơ quan tố tụng huyện Ngọc Lặc với bà Do thể hiện, đại diện Công an huyện Ngọc Lặc là ông Lê Đức Huy – Phó trưởng Công an huyện, đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc là ông Nguyễn Trung Kiên – Viện trưởng Viện kiểm sát.
Ông Nguyễn Trung Kiên có ý kiến như sau: “Trong quá trình giải quyết công việc có sai sót dẫn đến việc sai phạm, nên bây giờ muốn thương lượng với bà Quách Thị Do và gia đình bà Do”.
Sau khi bàn bạc thống nhất, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Ngọc Lặc đã chấp nhận bồi thường cho bà Quách Thị Do số tiền là 400 triệu đồng. Các bên thống nhất ký tên vào biên bản và bà Do đã nhận được đủ số tiền trên.
Theo bà Do, tại cuộc làm việc này, đại diện Công an huyện Ngọc Lặc đã “hứa bằng miệng” sẽ can thiệp với gia đình bà Hợp giảm số tiền nợ cho bà này (?!). Tuy nhiên, từ đó tới nay, bà Hợp vẫn làm đơn khởi kiện dân sự bà Do ra tòa án yêu cầu bà này trả lại số tiền 540 triệu đồng tiền vay.
Dù đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, nhưng cơ quan tố tụng không tổ chức xin lỗi công khai với bà Quách Thị Do tại nơi cư trú. Vì vậy, người dân địa phương vẫn coi bà Do là kẻ “phạm tội” và bà rất mặc cảm về điều này.
Trung tá Đỗ Xuân Sơn – Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho biết, việc bà Quách Thị Do bị khởi tố, bắt giam là có thật và sự việc này diễn ra trước khi ông về nhận nhiệm vụ. Sau khi nhận được đơn của bà Do do các cơ quan chức năng chuyển đến, Công an huyện Ngọc Lặc phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc đã tổ chức làm việc, bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho bà Do số tiền là 400 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT đình chỉ điều tra, trả tự do, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Quách Thị Do là do “bản chất khởi tố là hơi non về chứng cứ và "do sự thay đổi quy định của pháp luật có lợi cho bị can (luật cư trú)”. Việc Cơ quan cảnh sát điều tra không tổ chức xin lỗi công khai đối với bà Quách Thị Do tại nơi cư trú theo Trung tá Sơn là đến thời điểm hiện tại chưa cơ quan nào kết luận bà Do bị oan sai.
Cũng theo Công an huyện Ngọc Lặc, cán bộ và lãnh đạo đơn vị này không hứa tác động để bà Hợp giảm trừ số tiền vay cho bà Do. Vì đây là quan hệ vay mượn dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan này.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc cho biết, việc đình chỉ điều tra bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Do là do “trong lỗi chủ quan và khách quan nó có lỗi này lỗi khác, thứ nhất là nhận thức pháp luật, thứ hai là do chuyển biến của pháp luật và yên tình hình”. Hồ sơ vụ án, thực tế có việc vay mượn, nhưng không có chứng cứ để chứng minh việc vay nặng lãi.
Nguyên nhân cơ quan tố tụng huyện Ngọc Lặc bồi thường cho bà Do 400 triệu đồng, nhưng không tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú vì cơ quan tố tụng huyện Ngọc Lặc đã chủ động thương lượng, bồi thường cho bà Do trước khi cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, kết luận đơn kêu oan sai của bà này.
“Cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng đã tiến hành kiểm điểm các cá nhân liên quan đến vụ án. Trong Đảng cũng kiểm điểm, mời Huyện ủy xuống kiểm điểm. Sau đó gửi hồ sơ xuống tỉnh và tỉnh cũng đã đồng ý với việc kiểm điểm và khiển trách nghiêm khắc trong nội bộ”, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.