Sự thay đổi đến bất ngờ, trong cuộc gặp với các Thống đốc và các nhà hoạch định chính sách nông nghiệp tại Nhà Trắng hôm 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang chỉ đạo các cố vấn xem xét việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định mà ông đã quyết rút bỏ không lâu sau khi nhậm chức Tổng thống.
Việc Mỹ rút bỏ khỏi TPP được ông Trump nhắc đến từ thời còn đang vận động tranh cử. Ông từng lên án hiệp định này có thể gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất và công nhân Mỹ mặc cho nhiều thành viên Đảng Cộng hoà cũng như các doanh nghiệp lo ngại nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế nếu Washington rút khỏi TPP.
Viết trên Twitter hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét việc tái tham gia TPP nếu những thoả thuận của hiệp định “tốt hơn đáng kể” so với những gì được đưa ra dưới thời ông Obama.
Những thảo luận về việc Mỹ quay trở lại tham gia TPP bắt đầu hồi đầu năm nay khi thượng nghị sĩ John Thune đã chất vấn ông Trump về vấn đề này với lập luận rằng, TPP là cách tốt nhất giúp Mỹ gây áp lực với Trung Quốc.
Việc Mỹ tái tham gia TPP sẽ tạo những thay đổi lớn cho nhiều doanh nghiệp nước này trong tương lai, đồng thời giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa có quan điểm ủng hộ hiệp định này.
Quyết định xem xét tái gia nhập TPP của ông Trump được đưa ra khi Nhà Trắng đang cố gắng tìm cách bảo hộ lĩnh vực nông nghiệp vốn có nguy cơ bị thiệt hại do cách tiếp cận thương mại của vị Tổng thống này.
Rủi ro từ những căng thẳng leo thang với Trung Quốc đang làm nông dân và các chủ trang trại Mỹ lo lắng, khi để đáp lại mức thuế cao mà Tổng thống D.Trump đe dọa đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đe dọa đánh thuế nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ như thịt lợn, đậu tương, lúa miến, ngô và thịt bò.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là mở rộng thị trường thông qua các hiệp định đa phương như TPP.
Tái gia nhập TPP có thể là nhiệm vụ phức tạp. 11 nước còn lại đã mất nhiều tháng để đàm phán mà không có sự góp mặt của Mỹ và cuối cùng đã đạt được đồng thuận thông qua Hiệp định với tên gọi mới là CPTPP.
Xem thêm >> Tin nóng thế giới ngày 13/4: Cuộc gặp của ông Trump và ông Kim Jong-un đang được chuẩn bị