Ít người biết, trong ngành công nghiệp hàng không thuở sơ khai, cửa sổ máy bay đều có thiết kế hình vuông. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 1954, điều này đã thay đổi.
Ngày 10/01/1954, một chiếc máy bay của Anh Quốc sau khi cất cảnh khỏi sân bay Ciampino của Rome chừng 20 phút thì bị rơi xuống biển Địa Trung Hải, toàn bộ 35 người trên máy bay đều tử nạn. Ngay lúc đó, Thủ tướng Anh, ông Winston Churchill tuyên bố sẽ huy động toàn bộ nhân lực và nguồn lực để làm sáng tỏ nguyên nhân bí ẩn của vụ tai nạn này.
Sau khi điều tra kỹ càng, các nhân viên kết luận rằng, các góc của máy bay đã phải chịu áp lực cao hơn so với tiêu chuẩn nhiều lần, ngoài ra phần thân của máy bay cũng phải chịu áp lực không khí cao hơn tiêu chuẩn, nguyên nhân của hiện tượng này chính là do hình dạng của cửa sổ là hình vuông.
Cửa sổ hình vuông sẽ tạo ra 4 góc 90 độ, những góc vuông chính là điểm yếu tập trung áp lực của máy bay, đặc biệt trong điều kiện áp suất khí quyển cao. Áp lực ở góc cửa sổ cao gấp 3-4 lần so với các bộ phận khác, vì thế cửa sổ rất dễ bị vỡ.
Trong khi đó đường cong khiến cửa sổ hình bầu dục không hề có điểm tập trung, khiến áp lực dàn đều, giảm khả năng bị nứt vỡ, không dễ bị biến dạng vì vậy có thể chịu được sự chênh lệch áp suất giữa bên trong khoang máy bay và bên ngoài khí quyển. Hình tròn cũng có tác dụng tương tự nhưng hình bầu dục được lựa chọn bởi tính thẩm mỹ và giúp hành khách ngắm cảnh phía ngoài dễ dàng hơn với góc nhìn rộng hơn.
Ngoài ra một điều thú vị nữa là phía cạnh dưới của cửa sổ máy bay luôn có một lỗ nhỏ. Chi tiết tưởng chừng đơn giản này có nhiệm vụ cân bằng áp suất trong máy bay.
Theo Business Insider, khi máy bay càng lên cao, áp suất không khí càng giảm. Áp suất không khí bên ngoài thấp hơn rất nhiều so với bên trong máy bay, gây nhiều tác động vật lý có hại đến cửa sổ máy bay.
Mỗi cửa sổ máy bay bao gồm 3 tấm kính riêng biệt (bên ngoài, ở giữa, bên trong). Lỗ nhỏ xíu ở tấm kính giữa còn được gọi là "lỗ thở", giúp cân bằng áp suất không khí trong khoang hành khách và khoảng trống nhỏ, nằm giữa tấm kính ở giữa và tấm kính bên ngoài. Điều này có nghĩa, tấm kính ngoài cùng chịu hết áp lực, trong khi tấm kính giữa đóng vai trò dự phòng an toàn.
Tấm kính trong cùng không chịu lực, nhưng nó giúp bảo vệ tấm kính giữa và tấm kính ngoài cùng khỏi những hư hại có thể gây ra bởi hành khách. Bên cạnh đó chiếc lỗ này còn có công dụng ngăn hơi ẩm và tuyết bám tụ trên cửa sổ. Điều này lý giải vì sao cửa sổ của bạn không bị mờ đặc mỗi lần máy bay đi qua các đám mây.
Minh Hoa (t/h)