“Đại sứ quán và các Lãnh sự quán của Afghanistan đang phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề. Họ không còn tiền trong tài khoản ngân hàng”, quan chức ngoại giao Mỹ xác nhận hôm 12/3, theo AFP.
Người này giải thích, các nhân viên ngoại giao Afghanistan không còn được tiếp cận với nguồn tài trợ hàng trăm nghìn USD sau khi các ngân hàng - không phải của chính phủ Mỹ - đóng băng tài khoản của họ.
Các nhân viên ngoại giao, lưu nhiệm từ thời chính quyền cũ của Afghanistan, sẽ được duy trì thân phận ngoại giao trong 30 ngày. Họ sẽ có 1 tháng để xin cấp thị thực của Mỹ, trước khi bị trục xuất.
Cũng theo quan chức trên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thảo luận với Đại sứ quán Afghanistan để có thể “bảo vệ và bảo quản tất cả tài sản của cơ quan này, cho đến khi có thể hoạt động trở lại”.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố: “Chúng tôi không có ý định tiếp nhận các nhân viên ngoại giao do Taliban bổ nhiệm vào thời điểm hiện nay.”
Quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định thêm, Washington không thảo luận với Taliban về quyết định đóng cửa Đại sứ quán Afghanistan.
Theo New York Times, khoảng 100 nhà ngoại giao Afghanistan đang làm việc tại đại sứ quán ở Washington hoặc lãnh sự quán ở Los Angeles và New York. Gần 25% trong số này chưa nộp đơn xin ở lại Mỹ. Hồi tháng 1/2022, Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc đã từ chức sau nhiều tháng không nhận được nguồn tài trợ từ Kabul.
Taliban lên nắm chính quyền ở Kabul vào tháng 8/2021. Lực lượng này không được cộng đồng quốc tế công nhận và không kiểm soát được các cơ quan đại diện ngoại giao do chính phủ trước thành lập.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Zing)