Độc Cô Cầu Bại hiệu là Kiếm Ma, là một nhân vật hư cấu trong các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được xem là nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, là thiên hạ vô địch.
Độc Cô Cầu Bại được đề cập đến chi tiết trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và rất ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Độc Cô Cầu Bại chưa từng xuất hiện trong các tình tiết của tiểu thuyết mà chỉ để lại những triết lý đặc sắc về kiếm thuật.
Tên của Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là Cô độc một mình cầu được bại trận, biểu thị khả năng kiếm thuật thần thông của nhân vật này. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ.
Trong xuyên suốt các tác phẩm Kiếm hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung, Độc Cô Cầu Bại được coi là một nhân vật huyền thoại, từ thuở võ lâm sơ khai, ông đã được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học “Độc Cô Cửu Kiếm”, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu.
Uy lực của nó cũng gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.
Thậm chí, cả một người không có nội lực cũng có thể nhờ “Độc Cô Cửu Kiếm” đả thương một võ lâm cao thủ khác.
Tên gọi “Độc Cô Cửu Kiếm” của môn kiếm pháp này bắt nguồn từ việc nó có 9 chiêu thức chính: Tổng quát thức, phá kiếm thức, phá đao thức, phá chưởng thức, phá thương thức, phá tiên thức, phá sách thức, phá tiễn thức, phá khí thức.
Đúng như tên gọi, mỗi thức của “Độc Cô Cửu Kiếm” chính là khắc tinh của một loại binh khí, chưởng pháp cũng như ám khí.
Ví dụ một tay cao thủ sử dụng đao pháp gặp, chắc chắn sẽ không tránh nổi kết cục thảm bại. Ám khí, cung tên sẽ trở thành vô dụng trước, còn chưởng pháp, khí công gặp phải Phá chưởng thức, Phá khí thức e rằng cũng chẳng thể tung hoành nổi nửa chiêu.
Độc Cô Cầu Bại trong các tác phẩm của Kim Dung
Trong cốt truyện từ bộ Thần điêu đại hiệp, nhân vật chính Dương Quá có cơ hội gặp được Thần điêu - con vật được cho là người bạn cuối đời của lão nhân Độc Cô, sau khi gặp gỡ, Thần điêu dẫn Dương Quá đến mộ của Độc Cô, dựa trên những manh mối tại nơi này, Dương Quá biết được rằng Độc Cô Cầu Bại là một người sở hữu kiếm thuật vô song, một thời tung hoành thiên hạ.
Sau khi biết cả thiên hạ không một ai địch được nổi kiếm thuật mình sáng tạo nên, lão nhân Độc Cô đã chọn ẩn danh giang hồ, lui về sống quãng đời buồn bã còn lại với Thần điêu.
Trước khi chết, ông cũng đã lập mộ chôn 5 thanh kiếm của mình và đặt lời chú giải triết lí cho mỗi thanh kiếm. Theo đó, 2 thanh kiếm đầu tiên của Độc Cô mà Dương Quá tìm được đều có thiết kế lưỡi sắc bén, hình dạng được đúc khá hoa mỹ, tượng trưng cho một thời trai trẻ ngông cuồng của Độc Cô khi đấu chiến với cả đồng đạo võ lâm.
Huyền Thiết Trọng Kiếm - thanh kiếm không sắc mà rất cùn, được Độc Cô Cầu Bại dùng khi luyện kiếm pháp “Độc Cô Cửu Kiếm”.
Thanh kiếm thứ 3 là Huyền Thiết Trọng Kiếm - được mô tả giống như một thanh sắt lớn chứa đựng sức nặng ngàn cân, lưỡi không sắc ngược lại còn cùn, Dương Quá biết khi Độc Cô Cầu Bại còn sống, trước khi sáng tạo nên bộ kiếm pháp “Độc Cô Cửu Kiếm” đã sử dụng thanh kiếm kỳ quặc này để tự rèn luyện.
Khi tới kiếm mộ thứ 4 của Độc Cô, thứ Dương Quá tìm được không phải là một thanh kiếm mà chỉ là một cành cây liễu trúc đã rũ mục từ lâu. Bên cạnh kiếm mộ được khắc kèm văn phổ: “Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí, Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm”.
Ở tuổi 40, đối với lão nhân Độc Cô thì thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm. Nhưng đó vẫn chưa phải cảnh giới cao nhất của “Độc Cô Cửu Kiếm”.
Xem tới đây, Dương Quá tỏ ra kinh ngạc và phải thốt lên rằng: “Lão nhân Độc Cô quả thực là một bậc kỳ tài kiếm học chốn võ lâm, nếu giờ vẫn còn thọ thì lục đại môn phái cũng sớm phải tới quỳ gối bái sư!”. Đoạn nói, Dương Quá tiến tới khai phá kiếm mộ thứ 5 của lão nhân Độc Cô nhưng chỉ thấy đó là một phiến đá trắng, bên dưới không thấy chôn kiếm hay loại vũ khí nào khác, đoán là có sự nhầm lẫn nên Dương Quá đã bỏ đi.
Khi Độc Cô luyện thành kiếm pháp cửu đỉnh “Độc Cô Cửu Kiếm”, từ đây kiếm đối với ngài đã không còn quan trọng nữa!
Cũng từ tình tiết này, Dương Quá cho rằng việc một người luyện thành kiếm pháp Độc Cô, có thể sử dụng cành trúc cây liễu thay lưỡi kiếm sắc bén là đã đạt đến cảnh giới cao nhất của bộ kiếm pháp tuyệt đỉnh này. Tuy nhiên, tính “vô chiêu thắng hữu chiêu” được nhắc tới trong bộ kiếm pháp “Độc Cô Cửu Kiếm” lại là việc sử dụng kiếm khí (tức là vận nội lực thành khí sát, dồn đẩy toàn bộ lên tay, biến tay không mà như sở hữu một thanh kiếm sắc bén). Đó cũng là lý do vì sao khi tìm tới kiếm mộ thứ 5 , Dương Quá chẳng thể nhìn thấy thanh kiếm cuối cùng của lão nhân Độc Cô Cầu Bại.
Cảnh giới cao nhất của “Độc Cô Cửu Kiếm” chính là dùng tay không (kiếm khí) để áp chế các chiêu thức từ đối phương.
Trong truyện Tiếu ngạo giang hồ, khi truyền lại cho tiểu tử Lệnh Hồ Xung khẩu quyết tâm pháp và các chiêu thức trong “Độc Cô Cửu Kiếm”, chính lão sư Phong Thanh Dương cũng đã nhầm lẫn giữa việc dạy Lệnh Hồ Xung dùng “Phá kiếm thức”, lấy tính “Vô chiêu thắng hữu chiêu”. Nếu là do lão nhân Độc Cô thi triển thì cảnh giới cao nhất của “Độc Cô Cửu Kiếm” sẽ là dựa vào kiếm khí để chiến thắng tất cả, thay vì vẫn phải dụng tới kiếm thường và các chiêu thức phụ giống như Lệnh Hồ Xung và lão sư Phong Thanh Dương.
Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Độc Cô Cầu Bại (và cả nhân vật Lệnh Hồ Xung) được nhắc đến ngắn gọn qua lời của nhân vật Trừng Quan đại sư: “Cổ nhân nói võ công luyện tới mức xuất thần nhập hóa thì như linh dương móc sừng lên cây để ngủ, không có dấu vết nào mà tìm được. Nghe nói ngày trước có vị Độc Cô Cầu Bại đại hiệp và Lệnh Hồ Xung đại hiệp dùng vô chiêu thắng hữu chiêu, vô địch trên đời...”.
Chỉ 9 chiêu thức, nhưng “Độc Cô Cửu Kiếm” đã bao trùm lên toàn bộ võ học, trở thành khắc tinh của mọi loại binh khí trong thiên hạ.
Chính nhờ uy lực bá đạo của mình, “Độc Cô Cửu Kiếm” đã giúp cho các chủ nhân của mình trở thành đại cao thủ bất bại, hùng bá võ lâm.
Độc Cô Cầu Bại trước kia tung hoành thiên hạ không đối thủ, ôm nỗi sầu muộn không có kẻ tri kỷ trong võ học xuống cửu tuyền.
Phong Thanh Dương đệ nhất kiếm khách phái Hoa Sơn luyện “Độc Cô Cửu Kiếm” tới mức thượng thừa, chỉ cần chỉ điểm chút vỏ ngoài cho Lệnh Hồ Xung cũng có thể giúp chàng đánh bại gã đao khách khét tiếng Điền Bá Quang.
Lệnh Hồ Xung sau khi học thành công “Độc Cô Cửu Kiếm” cũng lần lượt đả bại hàng loạt tay hảo thủ tiếng tăm trên thiên hạ, bất chấp người mang trọng bệnh và mất đi hoàn toàn nội lực.
Lệnh Hồ Xung thi triển “Độc Cô Cửu Kiếm”.
Độc Cô Cầu Bại trên phim ảnh
Năm 1990, TVB Hồng Kông đã trình chiếu bộ phim Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại với nhân vật Độc Cô Cầu Bại do Huỳnh Nhật Hoa thủ vai. Nội dung phim bắt đầu từ một người có sức mạnh tàn ác trên giang hồ là Độc Cô Thiên Phong. Độc Cô Thiên Phong là kỳ tài của võ học, tuy nhiên tính tình khác người. Vì muốn độc chiếm các bí kíp võ công nên ra tay tàn sát võ lâm.
Sau khi bị các phái tiêu diệt, Thiên Phong bị bắt giam hơn 20 năm, đứa con mới sinh và người vợ cũng bị thất lạc. 20 năm sau, Lâm Khang từ 1 thiếu niên tốt bụng, trở thành 1 thiếu hiệp hành hiệp trượng nghĩa. Anh cùng với thiếu chủ Bạch Gia Bảo trở thành đệ tử phái Thiên Sơn, nhưng tính tình của Bạch Thành Trung nham hiểm nên đã hại cả nhà Lâm Khang. Và sau cùng, khi quyết đấu với Độc Cô Thiên Phong, sau khi đánh bại được Độc Cô, Lâm Khang mới biết mình là đứa con thất lạc hơn 20 năm.
Sau cùng, khi sáng chế ra môn kiếm pháp: Độc cô cửu kiếm lừng danh giang hồ, Lâm Khang tiêu diệt Bạch Thành Trung và đổi tên là Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại.
Quốc Tiệp