Lý do Đức muốn biến ga tàu điện ngầm thành hầm trú ẩn  bom đạn?

Lý do Đức muốn biến ga tàu điện ngầm thành hầm trú ẩn bom đạn?

Thứ 4, 27/11/2024 15:31

Đức đang lên kế hoạch biến các ga tàu điện, bãi đậu xe ngầm, tầng hầm... thành hầm trú ẩn bom đạn trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo hãng tin RT, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho biết trong số những công trình đang được xem xét có các ga tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm và một số tòa nhà khác. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích cải tạo tầng hầm, và nhà để xe thành hầm trú bom trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Sau khi danh sách trên được hoàn thành, người dân Đức có thể sử dụng ứng dụng để xác định vị trí hầm trú bom gần họ nhất.

Lý do Đức muốn biến ga tàu điện ngầm thành hầm trú ẩn  bom đạn?- Ảnh 1.

Đức lên kế hoạch biến ga tàu điện thành hầm trú bom do lo ngại chiến tranh. Ảnh: Telegraph

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức từng có hơn 2.000 hầm trú ẩn như vậy, nhưng hiện tại khoảng 3/4 trong số này đã ngừng hoạt động.

579 hầm trú ẩn còn hoạt động tại Đức chỉ đủ chỗ cho chưa đến 500.000 người ẩn náu trong trường hợp xung đột hoặc chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, tổng dân số của quốc gia Trung Âu này lên tới hơn 84 triệu người.

Ngoài việc hoán cải các công trình công cộng làm hầm trú bom, giới chức Đức cũng triển khai một chiến dịch thông tin hướng dẫn người dân biết cách tự bảo vệ bản thân trong các tình huống nguy hiểm, theo VOV.

Trước đó, một số thành viên NATO ở Bắc Âu cũng đã cập nhật hướng dẫn cho người dân về cách chuẩn bị cho trường hợp xảy ra chiến tranh.

Bắt đầu từ ngày 18/11, Thụy Điển phát hàng triệu cuốn sổ tay có tiêu đề “Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh”. Cuốn sách năm nay có kích thước gấp đôi so với phiên bản trước do có thêm đoạn mô tả tình hình an ninh xấu đi do xung đột ở Ukraine. Trong cuốn sổ tay, Thụy Điển khuyến khích người dân dự trữ đủ thực phẩm và nước uống trong 72 giờ, có thể tích trữ khoai tây, bắp cải, cà rốt và trứng.

Phần Lan cũng đã ra mắt một trang web mới hướng dẫn về việc “chuẩn bị cho các sự cố và khủng hoảng”. Người dân nước này được khuyến khích chuẩn bị để đối phó với tình trạng mất điện trong những tháng mùa đông bằng nguồn điện dự phòng, tích trữ các loại thực phẩm dễ nấu.

Trong khi đó, người dân Na Uy đã nhận được cẩm nang hướng dẫn cách cách sinh tồn trong một tuần trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt, xảy ra chiến tranh hoặc các mối đe dọa khác.

Đầu năm nay, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Đan Mạch đã ra thông báo hướng dẫn cho công chúng về lượng nước, thực phẩm và thuốc men mà mọi người cần để vượt qua tình huống khủng hoảng kéo dài 3 ngày.

Dù phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức không đề cập đến xung đột ở Ukraine, song theo tờ Bild, quyết định mở rộng mạng lưới hầm trú bom được đưa ra trước mối lo xảy ra giao tranh với Nga. Quan chức Đức nói thêm, "kế hoạch boongke" đã được Chính phủ thông qua vào tháng 6.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Mỹ và Pháp lên tiếng xác nhận đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Còn Anh hiện chưa công khai việc có cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công Nga hay không. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã sử dụng cả ATACMS và Storm Shadow để tập kích vào sâu biên giới Nga trong tuần trước.

Trong khi đó, Kiev cũng đã đề nghị Berlin nối bước Washington để chuyển tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất. Song cho đến nay, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn từ chối, với lý do hành động này có nguy cơ khiến Đức bị kéo vào cuộc chiến công khai với Nga, theo VietNamNet.

Khánh Linh (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.