Hàng năm, cứ đến ngày Tết Nguyên đán, đặc biệt là đêm Giao thừa là mọi nhà lại chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa dâng lên đất trời, tổ tiên cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Theo phong tục cổ truyền, trong mâm cỗ cúng Giao thừa ngày Tết không thể thiếu con gà luộc, điều đặc biệt đây phải là gà trống miệng có ngậm bông hoa hồng đỏ.
Ngoài lý do là lễ vật dễ kiếm, dễ chế biến, hình ảnh gà trống chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm của người xưa.
Theo truyền thuyết, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, nơi này rất lạnh lẽo, ẩm thấp mới sai 10 mặt trời ngày đêm soi sáng. Vì quá nhiều mặt trời nên đất khô, nứt nẻ. Do đó, đã có 1 dũng sĩ quyết giương cung bắn hạ mặt trời. 9 mặt trời bị bắn hạ. Mặt trời cuối cùng sợ quá bay trốn lên cao, không dám ló ra nữa. Lúc này mặt đất lại lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy khiến mặt trời tò mò ngó xuống, dần hạ thấp độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.
Do đó, khi đến đêm giao thừa (trừ tịch) - đêm trời đất tối tăm nhất, cũng là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất, mọi người lại kháo nhau cúng gà trống để gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm.
Ngoài ra, trong thập nhị can chi (12 con giáp) thì gà trống biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ; trong văn học gà trống được cho là loài có 5 đức lớn. Thời Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt từng nói với vua Gia Long về 5 cái đức của gà như sau: Một là, đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn. Hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ. Ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng. Bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân. Năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.
Lê Văn Duyệt tâu với vua rằng, binh thư có câu: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”. Loài gà có đủ 5 đức ấy, đức nào cũng đáng quý, trong đó gà lấy đức Tín làm đầu. Bất kể mùa đông hay mùa hạ, ngày nắng hay ngày mưa đều cất tiếng gáy đúng giờ, đúng canh để báo hiệu cho mọi người khắp trốn cùng quê thức dậy lo làm, lo ăn.
Dân gian thì đúc kết hình ảnh đẹp đẽ của gà trống qua câu ca sau: “Trên đầu đội sắc vua ban/ Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xuê/ Thần linh đã gọi thì về/ Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng”.
Từ đặc điểm tự nhiên là tiếng gáy mà con gà trống được cho là có tác động vào thời gian của con người và được thi vị hóa; tiếng gáy báo sáng đánh thức mọi người thể hiện trí tuệ, niềm tin.
Chính bởi vậy, người ta chỉ dùng gà trống để cúng chứ không dùng gà mái hay gà trống thiến.
Cúng gà trống nhất thiết phải có thêm bông hoa hồng đỏ gắn ở mỏ gà. Ngoài mục đích trang trí thì bông hoa hồng đỏ trên mỏ gà trống chính là biểu tượng của hình ảnh gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời của ngày đầu tiên báo hiệu năm mới đã đến.
Bên cạnh đó còn có cách giải thích về xuất xứ của tục cúng gà trống ngậm hoa hồng. Hoa hồng tượng trưng cho sự may mắn, còn màu đỏ tượng trưng cho vận đỏ. Vì vậy, cúng gà trống ngậm hoa hồng cúng trong đêm giao thừa - khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời mang ý nghĩa tiễn biệt những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Cách chọn gà cúng đêm Giao thừa
- Gà trống hoa (gà trống tơ) chưa đạp mái, có mào đỏ tươi, nhú đều nhau, chân vàng, lông mượt. Khi mua gà, bạn kiểm tra bằng cách: bấm nhẹ phía dưới ức thấy xương mềm; vạch nhẹ lông ra thấy da ấm, mềm, mỏng. Đó là gà ngon, đạt tiêu chuẩn.
- Nên chọn gà nặng từ khoảng 1,2 - 1,5kg. Nếu gà to quá thì bày không đẹp.
- Khi mổ gà cúng, phải thực hiện mổ moi, để hình dáng gà khi luộc lên gọn gàng, đẹp mắt.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo!
Minh Hoa (t/h)