Với hầu hết máy bay hàng không dân dụng hiện nay, không khí di chuyển theo cách: Không khí bên ngoài cabin được động cơ hút vào máy bay, được làm nóng, điều áp, làm sạch, lọc, trộn với không khí lưu thông ban đầu trong cabin.
Sau đó, nó được phân tán thành các khu vực trong cabin (chia từ 3 đến 7 hàng ghế). Sau khi được con người hít thở, nó sẽ trở thành khí thải, được thu gom và cuối cùng thải ra khỏi cabin. Cách thông khí này cho phép loại bỏ các loại virus gây bệnh.
Cụ thể, virus liên quan đến cảm lạnh thường khá nặng nên nhanh chóng rơi xuống sàn. Các loại virus gây bệnh lao và sởi được truyền qua các giọt nhỏ có thể tồn tại trong không khí tới 5 tiếng. Bằng việc sử dụng lỗ thông gió và bật chúng ở mức độ vừa phải hoặc thấp bạn có thể tạo nên một tấm chắn vô hình bao quanh giúp ngăn các vi khuẩn đang lơ lửng và ép chúng rơi xuống sàn nhanh hơn.
Trong khi đó, nếu cửa thông gió điều hòa bị đóng, luồng không khí lưu thông chậm lại khiến virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người hơn.
“Để ngăn chặn sự lây lan của virus trong không khí, ngoài việc cách ly hoàn toàn mầm bệnh, thông gió là phương pháp phòng ngừa quan trọng nhất.
Các luồng không khí trong cabin không lưu thông từ trước ra sau hay từ sau ra trước mà lưu thông ở từng khu vực khác nhau. Môi trường không khí dành cho hành khách thường trong khoảng 2-5 hàng ghế trước và sau”, Tiến sĩ Mark Gendreau, Trung tâm y tế Lahey-Peabody, Mỹ, cho biết.
Theo Tiến sĩ Gendreau, cửa thoát khí của điều hòa sẽ tạo thành rào cản không khí xung quanh hành khách, ở một mức độ nào đó có thể chặn vi khuẩn và thải chúng ra khỏi cabin nhanh hơn. Việc giữ không khí lưu thông có hiệu quả cao hơn nhiều so với việc sử dụng thuốc xịt làm sạch và chất khử trùng.
Tiến sĩ Gendreau chỉ ra rằng chính nhờ hệ thống thông gió mà máy bay có môi trường an toàn hơn và chất lượng không khí tốt hơn so với tàu hỏa, xe buýt và tàu điện ngầm. Chỗ ngồi thông thoáng nhất trên máy bay là ở phía trước máy bay, bởi các bộ phận điều hòa không khí của máy bay đều tập trung ở đó.
Tại sao phải tắt điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh?
Theo các chuyên gia hàng không, trong quá trình máy bay cất, hạ cánh, nếu hành khách sử dụng điện thoại, sóng điện thoại sẽ làm nhiễu sóng trao đổi giữa phi công và trạm kiểm soát, tạo ra những tiếng "tít tít" chèn lên cuộc trao đổi. Điều này ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận thông tin của phi công và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, những tai nạn nguy hiểm đều tập trung ở hai giai đoạn này, kéo dài khoảng 15 - 20 phút để đạt được độ cao hơn 3.000m.
"Bạn có thể sử dụng điện thoại ở chế độ máy bay trong khi bay, nhưng phải tắt hoàn toàn trong lúc cất cánh và hạ cánh, như tất cả các thiết bị điện tử khác vì đây là những thời điểm nguy hiểm nhất trong chuyến bay", một bài đăng trên Reddit nêu.
Một nhân viên kỹ thuật của hãng British Airways của nước Anh đã có một số báo cáo về việc sử dụng điện thoại trong chuyến bay gây nguy cơ hỏng cả hệ thống kỹ thuật.
"Tín hiệu điện thoại di động có thể can thiệp vào các hệ thống dẫn đường và hạ cánh của máy bay", người này chia sẻ. Nguyên nhân là do các thiết bị điện tử sẽ truyền tín hiệu và kết nối với mạng truyền thông qua các cột sóng trên mặt đất, gây ảnh hưởng tới việc nhận tín hiệu tại buồng lái.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, hơn 1300 máy bay phản lực ở Mỹ có màn hình buồng lái dễ bị nhiễu từ wifi, điện thoại di động và thậm chí cả tần số bên ngoài như radar thời tiết.
Trang tin ABC News cho hay, theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn 2003 - 2009 đã có 75 vụ việc xảy ra do tín hiệu điện thoại, trong đó có 26 vụ gây ảnh hưởng tới hệ thống điều hành bay. Báo cáo cũng chỉ ra rằng một tín hiệu điện thoại di động "đi lạc" có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiết bị công nghệ trong buồng lái. Máy bay càng cũ sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc nhiễu sóng này.
Những thông tin trên càng khẳng định hậu quả tiềm tàng nếu hành khách cố tình sử dụng điện thoại trong quá trình cất, hạ cánh. Vì vậy, tắt các thiết bị điện tử trong quá trình cất và hạ cánh, để chế độ "máy bay" trong quá trình bay là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân hành khách và cả chuyến bay.
Minh Hoa (t/h)