Theo Zing, hãng thời trang nhanh đến từ Thụy Điển H&M vừa tiết lộ giá trị hàng tồn kho toàn cầu trong quý gần nhất đã lên tới con số 4 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Lượng lớn quần áo chưa bán được chủ yếu là do sức mua năm 2018 yếu hơn so với dự đoán của H&M, đã kéo tụt lợi nhuận của hãng giảm 28% trong nửa đầu năm 2018.
"Việc tồn kho hàng đang trở thành vấn đề nhức nhối của H&M", ông Adam Cochrane, nhà phân tích từ Citi nhận định.
H&M cho hay hãng sẽ triển khai nhiều biện pháp, bao gồm cả việc tung ra các chiến dịch giảm giá, để giảm dần lượng hàng tồn.
Ông Cochrane nhận định H&M sẽ đưa ra các chiến dịch giảm giá tại những thị trường nơi người tiêu dùng có phản ứng tốt với các đợt giảm giá, cả cửa hàng hay qua kênh mua sắm online. Hãng cũng có thể bán buôn hàng tồn cho các nhà bán lẻ tại các quốc gia chưa có sự hiện diện.
Trong khi nhiều nhà đầu tư của hãng mong muốn động thái xả hàng tồn mạnh mẽ hơn, ông Cochrane cho rằng nhiều khả năng H&M sẽ chọn giải pháp mang tính cân bằng.
"Giảm giá để xả hàng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nó có hiệu ứng phụ là gây ảnh hưởng tới danh tiếng thương hiệu", nhà phân tích từ Citi nhận định. "Lãnh đạo hãng sẽ không muốn người tiêu dùng nhìn nhận H&M là thương hiệu chuyên bán đồ giảm giá".
H&M cũng cho hay quần áo tồn kho có thể được đem đi làm từ thiện hoặc hủy bỏ, nếu không thể bán.
Theo Vneconomy, những vấn đề H&M đang đối mặt không chỉ nằm ở hàng tồn kho. Giới phân tích nói rằng hãng quá chậm chạp trong việc phát triển bán hàng trên mạng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu H&M đã giảm giá 18%.
"Nửa đầu năm nay khó khăn hơn nhiều so với chúng tôi dự đoán, nhưng chúng tôi tin tình hình sẽ tốt dần lên trong nửa sau của năm", Giám đốc điều hành (CEO) H&M, ông Karrl-Johan Persson nói ngày 28/6.
Các nhà bán lẻ truyền thống trên khắp thế giới đang đối mặt sức ép ngày càng lớn từ thói quen thay đổi của người tiêu dùng và các công ty thương mại điện tử như Amazon.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, Moody’s cho biết số vụ vỡ nợ trong ngành bán lẻ đã đạt mức cao kỷ lục trong 3 tháng đầu năm nay, khi sự nổi lên của thương mại điện tử khiến lợi nhuận của các công ty bán lẻ truyền thông teo tọp.
Sears và Claire’s là hai trong số 8 công ty bán lẻ ở Mỹ vỡ nợ trong quý 1 năm nay, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng vững vàng. Trong đó, Claire’s đã lâm cảnh phá sản.
Tại Anh, công ty bách hóa tổng hợp John Lewis tuần này cảnh báo lợi nhuận năm 2018 sẽ giảm mạnh so với năm ngoái. Tháng trước, Marks & Spencer nói sẽ đóng cửa 100 cửa hiệu trong thời gian từ nay đến 2022.
Đào Vũ (Tổng hợp)