Lúc ứng tuyển thì hết mình, nhận lại là sự im lặng hết hồn. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại như vậy? Hãy cùng bóc trần sự thật về sự lặng im của nhà tuyển dụng sau khi nhận được hồ sơ tìm việc nhé!
Hồ sơ tìm việc của bạn có vấn đề
Có rất nhiều lý do khiến CV của bạn không nhận được hồi âm từ nhân sự khi tìm việc làm tại Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội... Nguyên nhân chủ quan cũng có, mà nguyên nhân khách quan lại càng nhiều.
Đầu tiên, hãy nhìn vào nguyên nhân chủ quan, đó chính là CV của bạn thực sự có vấn đề. Có thể nội dung bạn trình bày không đủ sức thuyết phục, cũng có thể hình thức trình bày của bạn khá cẩu thả khiến nhà tuyển dụng không mấy hài lòng.
Khi đã kiểm tra tỉ mỉ và tham khảo ý kiến từ những người đi trước, hãy nghiêm túc khắc phục những vấn đề tồn đọng ở CV của bạn để cho ra mắt một phiên bản thu hút hơn. Sau đó, bạn có thể tiếp tục ứng tuyển các công ty khác, thậm chí ứng tuyển lại công ty ban đầu và chờ đợi xem có nhận được một cái hẹn phỏng vấn từ nhà tuyển dụng hay không.
Vị trí bạn ứng tuyển có tỷ lệ cạnh tranh quá cao
Bạn có thể xác nhận điều này bằng cách kiểm tra lượt xem hoặc lượt nộp hồ sơ hiển thị trên các website tuyển dụng. Những vị trí có lượt ứng tuyển từ 30 trở lên có thể xem là có tỷ lệ cạnh tranh cao khi bạn phải tranh suất phỏng vấn với hơn 29 ứng viên khác.
Thông thường, những vị trí dưới 20 CV ứng tuyển thì tỷ lệ nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng sẽ khá cao. Ngược lại, với những vị trí có quá nhiều CV ứng tuyển thì nhà tuyển dụng sẽ chỉ tập trung vào những CV chất lượng hoặc thực sự phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của họ. Những CV còn lại sau khi kết thúc đợt tuyển dụng có thể nhận được email thông báo “chúc bạn may mắn lần sau”. Điều đó có nghĩa thời gian bạn nhận được phản hồi sẽ rất lâu và câu trả lời bạn nhận được thường không phải điều bạn đang mong đợi.
Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên kiểm tra mức độ phù hợp của bản thân với vị trí bạn muốn ứng tuyển. Nếu mức độ phù hợp nằm trong khoảng trung bình hoặc quá thấp, hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm sang những vị trí hoặc những công ty khác thay vì cố chấp với vị trí hay công ty hiện tại.
Vị trí bạn ứng tuyển đã ngừng tuyển dụng
Ngừng tuyển dụng ở đây có thể rơi vào 2 trường hợp: vị trí đó không còn tuyển dụng nữa hoặc đã tuyển dụng xong. Với trường hợp này, nhà tuyển dụng thường không phản hồi hồ sơ tìm việc mà sẽ yên lặng đợi thời gian qua đi, ứng viên sẽ tự hiểu.
Nhà tuyển dụng không nhận được CV của bạn
Với những vị trí có tỷ lệ cạnh tranh cao, việc nhà tuyển dụng bị “lạc” mất CV của bạn là điều dễ hiểu. Có thể CV của bạn đã vô tình rơi vào thư mục spam trên email, cũng có thể bạn đã gửi nhầm CV vào những nền tảng nhà tuyển dụng không thường xuyên sử dụng hoặc không còn sử dụng nữa.
Vì lẽ đó, hãy đảm bảo tính chính xác của đích đến cho bản CV của bạn và hãy ứng tuyển qua các kênh uy tín hoặc chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng nếu có cơ hội để hạn chế việc CV bị thất lạc trong quá trình trung chuyển.
Bạn đã bỏ lỡ hồi âm từ nhà tuyển dụng
Tương tự như trường hợp trên, rất có thể phản hồi mà nhà tuyển dụng gửi cho bạn đã rơi vào thư mục spam trên email nên bạn không hề hay biết đến sự tồn tại của nó. Tương tự, một số nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn phản hồi ứng viên qua điện thoại hoặc tin nhắn Zalo nhưng bạn đã bỏ lỡ cuộc gọi/tin nhắn đó vì những cài đặt riêng tư trên ứng dụng mà không hề hay biết.
Trong trường hợp này, hãy thử kiểm tra “thùng rác” của email, kiểm tra những cuộc gọi nhỡ từ số lạ, kiểm tra những tin nhắn từ người lạ trên Zalo hoặc chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng. Biết đâu đó, bạn sẽ nhận được một cuộc hẹn phỏng vấn đầy bất ngờ.
Chung quy lại, trong quá trình ứng tuyển một vị trí nào đó, dù bạn cảm thấy bản thân và công việc đó sinh ra là dành cho nhau đi chăng nữa, hãy tiếp tục gửi hồ sơ tìm việc cho những vị trí khác ở những công ty khác có sự phù hợp nhất định với bạn. Đừng quá kỳ vọng hay ngồi im chờ đợi phản hồi từ nhà tuyển dụng bởi vì bạn sẽ không thể biết được bản thân phải chờ đợi đến bao giờ.
Trang Đoàn