Lý do hoãn xét xử ông Tất Thành Cang và đồng phạm

Lý do hoãn xét xử ông Tất Thành Cang và đồng phạm

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 5, 05/05/2022 11:59

Phiên tòa xét xử ông Tất Thành Cang và đồng phạm không thể tiếp tục do một bị cáo kháng cáo nhưng đang mắc Covid-19 và một đơn vị liên quan vắng mặt không có lý do.

Ngày 5/5, TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – ông Tất Thành Cang và các đồng phạm theo đơn kháng cáo của 10 bị cáo và kháng cáo của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn–Sadeco (Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC).

Ông Tất Thành Cang và các đồng phạm được dẫn giải đến tòa vào khoảng hơn 9h sáng để tham gia phiên xử. Tuy nhiên, trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh - cựu thành viên HĐTV IPC có đơn xin hoãn phiên toà do bị nhiễm Covid-19.

Ngoài ra, Công ty Nguyễn Kim vắng mặt, nhưng đây là đơn vị có liên quan đến phần kháng cáo của Công ty TNHH MTV Xây dựng Tân Thuận – IPC. 

Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, bị hại và các đơn vị liên quan trong vụ án, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa sau thời gian hội ý. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Trước đó, xử sơ thẩm, TAND Tp.HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 9 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 20 năm tù.

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; 7 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt cho cả 2 tội là 16 năm tù.

17 bị cáo khác với vai trò đồng phạm của Tề Trí Dũng, Tất Thành Cang bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 13 năm tù. Trong đó, nhiều người được tuyên trả tự do tại tòa do thời gian bị tạm giam bằng với mức án.

Sau bản án, bị cáo Tất Thành Cang kháng cáo không đồng tình với cáo buộc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí khi chấp thuận cho Sadeco bán rẻ 9 triệu cổ phần. Theo bị cáo Cang, hậu quả của vụ án là do việc làm, báo cáo không trung thực, gian dối của đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco làm ảnh hưởng đến chỉ đạo của bị cáo.

Bảy bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Tề Trí Dũng, Phạm Văn Thông, cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy;  Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy; Trần Công Thiện; cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Trần Đăng Linh, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Vũ Xuân Đức, cựu Phó tổng giám đốc IPC; Đỗ Công Hiệp, cựu Kế toán trưởng Sadeco.

Riêng 2 bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco kháng cáo xin xem xét lại tội danh và mức án. Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh, cựu thành viên HĐTV IPC xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Ngoài ra, Sadeco cũng có kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco; Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc Sadeco và các đồng phạm bồi thường 2,8 tỷ đồng; hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 của Sadeco (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 lên 260 tỷ đồng). Sadeco đề nghị Sở KH-ĐT Tp.HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Sadeco với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, IPC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, góp vốn và nắm quyền chi phối tại Sadeco với tỉ lệ 74,8%.

Năm 2015, trong đề án tái cơ cấu, UBND Tp.HCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn. Tuy nhiên, IPC đã không thực hiện yêu cầu, giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8% thông qua phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.

Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và sau đó được dàn lãnh đạo IPC biểu quyết thông qua với tỉ lệ 100%.

Ngày 16/5/2017, bị cáo Tất Thành Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.

Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Bị cáo Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.

Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco đã gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là Công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.

Ngày 14/8/2018, Sadeco họp Đại hội cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư.

Ngày 17/10/2019, Sadeco ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với đối tác với Công ty Nguyễn Kim, hoàn trả lại cho Công ty Nguyễn Kim 360 tỷ đồng, còn Sadeco được nhận lại 9 triệu cổ phần.

Cáo trạng xác định, bị cáo Tề Trí Dũng đóng vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM tại Sadeco (16,7%) là 184 tỷ đồng.

Dù hậu quả của vụ án đã được khắc phục, nhưng do hành vi phạm tội của Tất Thành Cang và đồng phạm đã hoàn thành nên việc truy tố là có căn cứ.

Ngoài các hành vi nêu trên, các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp còn vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong việc chi tiền của Công ty Sadeco cho nhiều cá nhân không thuộc diện đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát, học tập” trái quy định, gây thiệt hại cho Công ty Sadeco gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại vốn Nhà nước gần 2,2 tỷ đồng.

Tề Trí Dũng và một số bị cáo còn có hành vi tham ô tài sản qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng với số tiền chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.