Báo VnExpress đưa tin, công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) vừa thông báo danh sách 2 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 1 triệu cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ.
Sau hơn một tháng chào bán, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nước hoa Miss Saigon tìm được hai nhà đầu tư chiến lược là công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) và ông Ngô Hùng Dũng.
HSC đăng ký mua hơn 842.000 cổ phần hạn chế chuyển nhượng trong một năm, tương đương tỷ lệ sở hữu 8,87% vốn sau khi phát hành. Ước tính với giá phát hành không thấp hơn 21.000 đồng một cổ phần, HSC phải chi tối thiểu 17 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của công ty
Tổ chức và cá nhân đăng ký trở thành cổ đông chiến lược của Mỹ phẩm Sài Gòn đợt này phải đáp ứng bốn tiêu chí cơ bản gồm năng lực tài chính đảm bảo, có kế hoạch đầu tư dài hạn, hỗ trợ công ty về quản trị, tài chính, thị trường, công nghệ hoặc có khả năng truyền thông, quảng bá thương hiệu.
Mỹ phẩm Sài Gòn dự kiến thu gần 22 tỷ đồng từ đợt phát hành này. Số tiền được dùng đầu tư vào máy móc thiết bị, nâng cấp nhà xưởng và phát triển hệ thống gồm 10 cửa hàng thiết kế theo chuẩn mới tại TP.HCM và Hà Nội.
Trước đó, tờ Người Đồng Hành thông tin, hồi tháng 11/2017, tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) đã tổ chức đấu giá cổ phần của công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) do Satra sở hữu.
Theo đó, Satra bán đấu giá 588.816 cổ phần SCC với mức giá khởi điểm 32.100 đồng/cp. Tổng số tiền Satra thu về ước 19 tỷ đồng.
SCC tiền thân là hãng nước hoa Imortel trước năm 1975. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990. Đến năm 2007, công ty chính thức trở thành công ty đại chúng.
SCC nổi tiếng với thương hiệu nước hoa Miss Saigon, ngoài ra sản phẩm của công ty còn có Cindy, Fantasy, Aromalink, Miss Việt Nam, De Andre,…
Hiện nay, trong khi thị hiếu người Việt Nam đa số chuộng nước hoa ngoại thì công ty Nhà nước sản xuất nước hoa lâu đời của Việt Nam này vẫn sống khỏe và thậm chí còn xuất khẩu mạnh ra nước ngoài.
Trong năm 2016, SCC ghi nhận 275 tỷ doanh thu và 24,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cổ tức ở mức 43%.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2017 lần lượt đạt 324 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Đây là khoản lãi cao nhất công ty ghi nhận từ khi công ty cổ phần hoá vào những năm cuối thập niên 90, nếu loại trừ yếu tố bất thường từ thoái vốn bất động sản cách đây ba năm.
Theo tờ Tri Thức Trẻ, trước sự đổ bộ của các đối thủ, Miss Saigon chọn xuất khẩu là thị trường chính. Trước năm 2006, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 60% tổng doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn. Sau năm 2006, xuất khẩu chiếm 50% doanh thu.
Miss Sài Gòn hiện đã có mặt tại các khu vực như Đông Âu, Úc, Đài Loan, Philippines, Maylasia, Singapore, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… Trong đó Đông Nam Á là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất.
Ngoài kênh xuất khẩu, Miss Saigon còn được phân phối qua 2 kênh khác. Đó là kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng, chiếm 30% doanh thu. Kênh thứ 2 là các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty). Kênh này chiếm 20% doanh thu.
Với chiến lược của mình, Miss Saigon vẫn sống tốt trước sự xâm lấn của các đối thủ ngoại. Tất nhiên, sau này công ty đầu tư thêm vào bất động sản, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và gia công cho đối tác bên ngoài, song doanh thu từ hóa mỹ phẩm (chủ yếu từ nước hoa) vẫn mang về lợi nhuận hai con số.
H.Y (tổng hợp)