Lý do khiến Trung Quốc không thể thay thế vị trí siêu cường của Mỹ

Lý do khiến Trung Quốc không thể thay thế vị trí siêu cường của Mỹ

Chủ nhật, 05/03/2017 10:31

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP, nhiều nhà phân tích cho rằng, đây sẽ là cơ hội giúp Trung Quốc tới gần vị trí lãnh đạo thế giới.

Theo Forbers, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được xem là một phần chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm kiềm chế sức mạnh thương mại của Trung Quốc. Hiệp định này bao gồm nhiều quốc gia dọc bờ biển Thái Bình Dương, nhưng loại trừ Trung Quốc.

Tiêu điểm - Lý do khiến Trung Quốc không thể thay thế vị trí siêu cường của Mỹ

 Trung Quốc sẽ khó thay thế vị trí siêu cường của Mỹ trong tương lai gần.

Với việc Mỹ rút khỏi TPP và ông Trump tuyên bố triển khai các chính sách bảo hộ thương mại, như một cách tập trung vào quốc nội theo phương châm “nước Mỹ là trên hết” khiến vai trò lãnh đạo thương mại toàn cầu của Trung Quốc lại trở thành tâm điểm của giới quan sát.

Thời gian này, Trung Quốc ngày càng có những tuyên bố cứng rắn về việc tăng cường hợp tác với phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh thúc đẩy toàn cầu hóa không chỉ bằng các thỏa thuận thương mại như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà còn thông qua sáng kiến Một vành đai, một con đường với trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng ở Châu Á và các khu vực lân cận.

Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh cũng chứng minh sức mạnh kinh tế của mình khi thành lập ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để trở thành nhà “tài trợ” cho các quốc gia khác, thể hiện vai trò mới của mình trên đấu trường kinh tế toàn cầu.

Song, dù Bắc Kinh đã tạo dựng được những thương hiệu như “công xưởng thế giới”, “người xây dựng cầu đường thế giới”… thì Trung Quốc cũng rất khó để hướng đến vị trí siêu cường lãnh đạo thế giới bởi giới quan sát vẫn luôn đặt câu hỏi về năng lực cải cách kinh tế của nước này.

CNN chỉ ra những “lỗ hổng” trong nền kinh tế hiện tại của Trung Quốc như khu vực tài chính của nước này vẫn kém phát triển hơn nhiều so với phương Tây. Tốc độ tăng trưởng và sự thiếu hiệu quả kinh tế ngày càng bộc lộ rõ, do cải cách ở khu vực dịch vụ vẫn tiến triển rất chậm. Hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng không tạo ra lợi nhuận thực sự ổn định cho nhà đầu tư.

Cây bút Sara Hsu của Forbes nhấn mạnh, hiện Trung Quốc gây dựng “sức mạnh mềm” và tạo ảnh hưởng nhưng vẫn là chưa đủ để đảm bảo vị thế siêu cường của thế giới. Những hiệp định kinh tế của Trung Quốc vẫn còn ngắn hạn để chứng minh tính khả thi của nó trong tương lai.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, năng lực thực thi pháp luật của Bắc Kinh vẫn còn yếu và sẽ làm giảm hiệu quả của OBOR, dẫn đến tình trạng tham nhũng và đình trệ của các dự án. Đặc biệt các quốc gia mà nước này đầu tư vào cũng có hệ thống pháp luật lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vốn và thiếu cơ chế tự do hóa tài chính sẽ cản trở quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB). Cuối năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF chính thức thêm RMB vào giỏ các đồng tiền dự trữ bên cạnh đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật, nhưng RMB cũng khó có thể “hạ bệ” được USD bởi đồng tiền “đỉnh cao” này vẫn chiếm gần 2/3 dự trữ toàn cầu bất chấp Mỹ xảy ra khủng hoảng tài chính.

Theo Forbes, vị thế lãnh đạo thế giới không dễ dàng trao cho quốc gia nào có nền kinh tế, chính trị, giao dịch thương mại nhiều nhất hay tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Nếu theo tiêu chí này thì Nhật Bản đã đạt được vị thế siêu cường thế giới vào năm 1970. Hiện Trung Quốc vẫn thiếu sự ủng hộ toàn cầu mà Mỹ từng nhận được sau Thế chiến II, khi các nước ngầm thừa nhận Mỹ là cường quốc tiên phong giúp ổn định kinh tế thế giới. 

Ngược lại, các nước phương Tây và nhiều nước châu Á vẫn chưa đặt trọn niềm tin với Bắc Kinh, bằng chứng là nhiều nước ủng hộ bảo vệ và tiếp tục xây dựng TPP dù thiếu sự tham gia của Mỹ. Bên cạnh đó, mức sống của người dân Trung Quốc vẫn thua phương Tây và RMB chưa được xem là đồng tiền quốc tế, những điều kiện tiên quyết để trở thành siêu cường toàn cầu.

Những thách thức trên có thể thay đổi theo thời gian, nếu Trung Quốc từng bước chuyển mình và vượt qua được những “chướng ngại vật” đó. Song, giới quan sát vẫn tin rằng, Trung Quốc sẽ khó thay thế vị trí siêu cường của Mỹ trong tương lai gần.

Xem thêm >>> Cho tàu đi vào đảo tranh chấp với Nhật, Trung Quốc thách thức Mỹ?

 

Phương Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.