Làm rõ vì sao cần Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách?
Chiều 27/7, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK. Đề nghị này đã gây ra những ý kiến trái chiều trong cuộc họp và trong dư luận.
Giải thích cho đề xuất của Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục (UBVHGD), đặt câu hỏi: “Nếu giao cho tất cả các lực lượng xã hội hóa, các tổ chức, cá nhân thì ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc phát triển, cập nhật chương trình? Trách nhiệm của Nhà nước ở đâu?”.
Ông Vinh cho rằng: “Ở đây không chỉ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức còn như ở nhiều nước vẫn có hội đồng quốc gia chịu trách nhiệm về nội dung SGK. Không nhất thiết phải viết bộ SGK mới, cái quan trọng cuối cùng vẫn là Nhà nước phải có bản quyền về nội dung một bộ SGK và không tính tiền bản quyền về biên soạn SGK, còn các doanh nghiệp có thể khai thác nội dung đó để phát hành SGK, phục vụ cho người dân một cách tốt nhất”…
Có đại biểu cho rằng vẫn cần phải có một bộ SGK do Bộ biên soạn như quy định tại Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khoá XIII.
Nêu ý kiến tại phiên họp, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đoàn giám sát phải làm rõ căn cứ vào điều gì từ thực tiễn cho thấy cần Bộ biên soạn một bộ sách. Nếu làm sẽ giải quyết được những bất cập, thiếu sót gì. Theo đó mới nên cân nhắc thực hiện việc này. Bởi, hiện tại việc thay sách đã đi gần hết chặng đường, việc có một bộ sách của Bộ vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.
Ông Sơn đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa
Thêm một bộ SGK sẽ có nhiều bất cập
Trước vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đánh giá về việc thực hiện chủ trương “1 chương trình, nhiều bộ sách” trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Diệp – Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Newton (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, cải cách giáo dục ở Việt Nam là thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa.
Nếu như năm 2006 chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK duy nhất thì năm 2018, Bộ Giáo dục ra Thông tư số 32/ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.
Trong đó, nội dung SGK sẽ đóng vai trò là học liệu, không phải là nguồn kiến thức duy nhất để tổ chức hoạt động dạy học.
Theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực” cho học sinh
Lúc đầu, sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 5 bộ được phê duyệt. Đó là: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
“Sau mấy năm sử dụng, những người viết sách đã tiếp thu ý kiến “gạn đục khơi trong”, chỉnh sửa, và đến nay lưu hành 3 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cánh diều”. 3 bộ sách này đang được sử dụng ổn định tại các trường phổ thông”, bà Diệp chia sẻ.
Trả lời về việc có nên thêm bộ SGK của Bộ GD& ĐT hay không? bà Diệp cho rằng, nếu có thêm một bộ SGK nữa cho việc đổi mới giáo dục do Bộ GD&ĐT thực hiện thì có quá nhiều bất cập sẽ xảy ra.
“Để có thêm một bộ sách, phải chọn lựa nội dung cấu trúc sách, chọn lựa người viết. Sau khi viết xong sẽ phải mất thêm một thời gian dài dạy thử nghiệm, rút kinh nghiệm rồi mới đưa ra dạy đại trà. Trong khi đó, 3 bộ sách hiện tại đang phát huy rất tốt việc thực hiện nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018”, bà Diệp nêu lý do.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Newton cũng đồng tình với ý kiến nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK nữa thì sẽ xảy ra hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, gây ra những hiệu ứng tiêu cực từ xã hội. Dư luận sẽ cho rằng Bộ ôm đồm.
“Trong việc thực hiện cải cách giáo dục, vai trò Bộ GD&ĐT là đơn vị chỉ đạo thực hiện việc đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018. Là bên đưa ra triết lý cùng những mục tiêu, quan điểm giáo dục, yêu cầu các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa phải thực hiện. Giờ lại là người vừa đưa ra vừa thực hiện, thì chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi””, bà Diệp chia sẻ và lo ngại sẽ không khách quan khi lựa chọn sách, “chẳng nhẽ sách Bộ GD&ĐT viết ra, các đơn vị lại không lựa chọn?”, bà Diệp nói thêm.
Đồng quan điểm với bà Diệp, ông Ngô Mậu Tình – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cho rằng, việc có thêm một bộ sách của Bộ sẽ có nhiều bất cập xảy ra.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ khó khăn trong việc lựa chọn chủ biên, các tác giả biên soạn sách. Bởi, hầu hết các nhà khoa học giáo dục hàng đầu đã tham gia biên soạn 3 bộ SGK mới trên. Đồng thời, việc đổi mới giáo dục không cho phép chúng ta chững lại và chậm lại thêm được nữa.
“Phải có một thời gian dài, rất dài chuẩn bị tư liệu, xây dựng cấu trúc chương trình, biên soạn các tác giả mới cho ra 3 bộ sách trên. Vậy, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK nữa thì biết bao giờ mới thực hiện đại trà?. Đó là chưa kể đến việc biên soạn SGK phải lấy một nguồn kinh phí rất lớn của Nhà nước để thực hiện. Theo quan điểm này thì trái ngược lại những quy định của Luật Giáo dục năm 2019 do Quốc hội ban hành”, ông Tình nói.
Ông Tình cũng chia sẻ thêm rằng, xã hội hóa trong việc biên soạn SGK vừa phát huy trí tuệ, tài chính từ nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch hạn chế những tiêu cực trong việc độc quyền SGK là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế của thế giới.
“Hiện tại, 3 bộ sách đã đáp ứng được nhu cầu về số lượng, đủ đầu sách cho việc đổi mới. Vì vậy, theo tôi không nên có thêm một bộ sách nữa”, ông Tình nhấn mạnh.
Không cần thiết thêm một bộ SGK
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Chủ biên chương trình GDPT, môn Ngữ văn 2018 nhớ lại:
“Năm 2014, tôi là một trong vài người trực tiếp chuẩn bị nội dung báo cáo của Chính Phủ do Bộ GD&ĐT khởi thảo để trình Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 88 năm 2014. Khi đó, một trong các vấn đề được bàn luận nhiều là SGK nên triển khai theo hướng xã hội hóa ngay hay vẫn do Bộ GD&ĐT biên soạn như trước đây. TS. Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nên theo hướng xã hội hóa luôn và ngay, Bộ GD&ĐT không nên đứng ra biên soạn một bộ sách. Lý do là vì Bộ đã biên soạn thì các nhà trường sẽ chỉ dùng bộ sách của Bộ và như thế việc cạnh tranh sẽ không bình đẳng”, ông Thống nêu.
Ông Thống chia sẻ thêm, cũng khi đó, ban soạn thảo có nêu ý kiến: Đúng là cần thiết phải tiến hành xã hội hóa việc biên soạn SGK. Tuy nhiên, khi đã xã hội hóa thì khó bắt buộc các tổ chức và cá nhân biên soạn tất cả các môn học. Nghĩa là có một số môn học như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, kỹ thuật... có thể không được biên soạn do yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh.
Ngoài ra, cũng không có gì bảo đảm các bộ sách do xã hội hóa biên soạn đúng tiến độ để kịp cho việc triển khai Nghị quyết...
Vì thế, ban soạn thảo đề nghị: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Sau đó, do không lường hết được việc chuẩn bị đội ngũ tác giả SGK , việc tổ chức bộ sách của Bộ trở nên bất khả thi do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết. Bộ GD&ĐT đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn SGKtheo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo ông Thống, cho đến thời điểm này, SGK của các lớp 5, 9 và 12 đã biên soạn xong, chuẩn bị thẩm định để thực hiện trong năm học tới.
“Không hiểu tại sao lại có ý kiến yêu cầu Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức biên soạn bộ sách của Bộ như thời điểm ban đầu (2014)?”, ông Thống thắc mắc.
Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn một bộ SGK là hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình”.
Vị chuyên gia phân tích, thứ nhất các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai chương trình 2018 đúng tiến độ.
Thứ hai, Nghị quyết 122 của Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không cần biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 88, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.
Thứ tư, nếu Bộ tiến hành biên soạn bộ sách thì phải làm lại từ đầu, bắt đầu từ lớp 1, nếu làm đồng loạt các cấp thì ít nhất phải mất 5 năm. Trong khi thực tế đã có đủ SGK cho tất cả các cấp lớp.
Thứ năm, không thể đơn giản là chọn trong các bộ sách đã có để lấy 1 bộ sách làm sách của Bộ được. Vì, mỗi bộ sách đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định và việc đánh giá bộ sách nào hơn bộ sách nào là bất khả thi.
Cuối cùng, yêu cầu có một bộ sách của Bộ vừa khiến Bộ GD&ĐT không làm đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước; vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn và sử dụng SGK.
“Chúng tôi nghĩ rằng, nên tập trung xem xét, điều chỉnh và tổ chức tốt việc triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng. Đặc biệt, cần chỉ đạo việc tổ chức dạy học và đánh giá thi cử trong những năm tới sao cho hợp lý và có hiệu quả”, ông Thống nêu ý kiến.
Lo ngại hiệu quả bộ SGK mới
TS. Nguyễn Thị Phương Lan- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng không nên biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT.
Bà Lan cho hay, nếu biên soạn thêm một bộ SGK của Bộ GD&ĐT sẽ có rất nhiều bất cập:
Thứ nhất, đi ngược lại chủ trương xã hội hóa trong giáo dục.
Thứ hai, bất cập trong việc lựa chọn đội ngũ mới, chưa có kinh nghiệm đi biên soạn SGK bởi các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm về biên soạn SGK đã có mặt ở cả 3 bộ sách hiện thời.
Thứ ba, hiệu quả bộ SGK mới sẽ được thẩm định như thế nào? Có huy động được đủ lực lượng am hiểu về chương trình và SGK để thẩm định đảm bảo hiệu quả?
Thứ tư, thị trường phát hành SGK sẽ thực hiện như thế nào, có đảm bảo được sự “công bằng trong việc sử dụng SGK” như Nghị quyết 88/20114/QH13 đã đề ra?.