Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Tại phiên thảo luận chiều hôm qua (31/5), đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Tp.HCM) đã nhắc đến ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023) và cho rằng, con số này thể hiện vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.
Từ đó, vị đại biểu đề xuất dùng nguồn này để linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
Giơ biển tranh luận về nội dung này vào sáng 1/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết, vấn đề tồn dư hơn 1 triệu tỷ đồng ngân sách tại ngân hàng đã được ông phát biểu tại phiên thảo luận tổ vừa qua.
Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế.
"Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ gây nên hệ luỵ lãng phí khác", ông nói.
Đại biểu đoàn Quảng Trị nêu rõ, cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Do đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu chính sách tài khóa có phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là việc giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế hay không?
“Việc ấn định mức giá chào thầu và dự kiến khối lượng tiền chào thầu có xem xét đến các mục tiêu về thanh khoản của hệ thống ngân hàng như mặt bằng giá vốn trên thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi không?”, ông Đồng đặt câu hỏi.
Tham gia giải trình về số tiền tồn dư ngân sách này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính xác ngân quỹ đang tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng với lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại là 130.000 tỷ đồng.
"Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia", Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. “Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc giải thích lý do không thể dùng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng cho việc khác.
Liên quan đến vấn đề bảo hiểm Nhân thọ đang nóng dư luận và việc xây dựng cơ chế kiểm soát, Bộ trưởng Phớc cho biết, vấn đề liên kết bảo hiểm với ngân hàng, Bộ Tài chính đã phối hợp, xử lý nghiêm ngân hàng vi phạm.
"Chúng tôi đang xây dựng Nghị định, Thông tư mới tập trung vào yêu cầu quy chuẩn sản phẩm bảo hiểm rõ hơn, hợp đồng ngắn hơn, quy định thưởng, thanh tra, kiểm tra vi phạm rõ ràng hơn", ông Phớc nói.
Liên quan đến các khó khăn của nền kinh tế, vướng mắc giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, thị trường khó khăn lớn nhất về tổng cầu cho nên giải pháp tháo gỡ là cần tăng cường tiêu dùng xã hội, tăng trưởng ngành bất động sản, điện tái tạo, giải ngân đầu tư công.
Ông Phớc đề nghị phân cấp mạnh mẽ địa phương. “Hành động, hành động và hành động, hướng đến doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, để doanh nghiệp giải quyết được việc làm, tăng hiệu quả kinh tế là sẽ thành công”, Bộ trưởng nhấn mạnh.