Thị trường bắt đầu vào đợt cao điểm
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê vừa được công bố, ước tính trong tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 16.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị là 341 triệu USD.
Số lượng xe nhập khẩu tháng 10 cao gấp hơn 2,5 lần so với đáy là tháng 9 với 6.300 chiếc. Còn so sánh với cùng kỳ năm 2020, lượng xe nhập khẩu tháng 10 cao hơn 17,9% về lượng và 21,9% về giá trị kim ngạch.
Tổng cộng 10 tháng đầu năm 2021, mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ước đạt hơn 130.000 chiếc, với tổng giá trị kim ngạch khoảng 2,888 tỷ USD; tăng tới 62,4% về lượng và 63,5% về giá trị so với 10 tháng đầu năm năm 2020.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thị trường ô tô, có 2 nguyên nhân chính khiến lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 10 tăng mạnh là do diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đang được kiểm soát tốt dẫn đến việc nhập khẩu xe gặp nhiều thuận lợi và thị trường ô tô trong nước bắt đầu vào đợt cao điểm cuối năm, nhu cầu mua xe của người dân tăng cao.
Xe lắp ráp trong nước tăng nhẹ trong tháng 10
Trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng đột biến thì lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ tăng nhẹ trong tháng 10.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tháng vừa qua đã cho xuất xưởng tổng cộng 20.300 chiếc, tăng 6,3% so với tháng trước (với 19.100 chiếc). Số lượng này chỉ bằng 72,5% so với tháng 10/2020.
Cộng dồn lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 235.600 chiếc, bằng 112,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 10 bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là thời điểm quý cuối của năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao.
Trong số nhóm ngành có tốc độ tăng cao so với tháng trước có ngành sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ ước đạt 810 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với tháng trước. Nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe cộ sau khi chấm dứt giãn cách xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 (gồm thương nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) dự ước đạt 43.602 tỉ đồng, tăng 27% so với tháng trước.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.007 tỉ đồng, tăng 32,6% so với tháng trước và giảm 40,5% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hàng may mặc đạt 1.925 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng năm trước và doanh thu phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) ước 2.257 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.
Trong tháng 10, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 598 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước. Trong đó, hoạt động ăn uống ước đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 92,6%.
Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 10 ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước. Nguyên nhân là người dân ngoài tỉnh có thể đến Tp.HCM để khám chữa bệnh, các chuyến bay, xe khách đến thành phố đã hoạt động trở lại nên công suất sử dụng phòng cũng tăng lên.
Đối với hoạt động du lịch lữ hành, ước doanh thu đạt 11 tỷ đồng, giảm 15,4% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 12.987 tỷ đồng, tăng 16,2% so với tháng trước.
Theo Cục Thống Kê Tp.HCM, cộng dồn 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 683.272 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Pháp Luật Tp.HCM, Vietnamnet)