Tuy nhiên, quân đội Mỹ sẽ không nhúng tay can thiệp vào sự việc lần này. Theo lý giải của tờ Military Times, hành động của Washington cho thấy nước này đang dần có sự thay đổi chiến lược ở Syria. Lầu Năm Góc đang dần buông tay ở chiến trường Trung Đông này, cùng với thời điểm quân đội Chính phủ Syria và Nga "đột ngột" thắng thế trên chiến trường.
Mỹ từ bỏ?
Dù bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại trước sự vi phạm thỏa thuận chống leo thang song một thông điệp từ Đại sứ Mỹ tại Amman, Jordan đã nói rõ với người dân địa phương rằng lực lượng Washington không có ý định bước chân vào cuộc xung đột.
Hãng tin Reuters cho hay, họ đã tận mắt được xem bản sao chép một thông điệp mà Mỹ gửi đến các nhóm nổi dậy tại phía Nam Syria.
“Chúng tôi đã đề nghị phía Nga và Syria không nên có bất kỳ hành động quân sự nào vi phạm vùng chống xung đột ở phía Tây Nam Syria”, thông điệp phát đi từ Mỹ ngày 19/6 cho hay.
Nhưng Washington cũng cho hay các nhóm phiến quân không nên chờ đợi sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ để chống lại chiến dịch phản công của quân đội Chính phủ Syria.
“Nhưng chúng tôi cũng cần làm rõ quan điểm: Chúng tôi hiểu các anh cần đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của chính mình. Nhưng các anh không nên đưa ra quyết định dựa vào những giả định hay sự kỳ vọng về khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự. Quyết định nằm trong tay các anh”, thông điệp nêu rõ với các nhóm phiến quân.
Khi được hỏi rằng liệu thông điệp trên có đồng thời gửi cho các nhóm phiến quân do Mỹ hậu thuẫn ở Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) hay không, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay, đó là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau.
“Nói một cách rõ ràng thì liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu không đứng sau hỗ trợ “các phiến quân” ở Syria, và chúng tôi không hoạt động ở các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus”, ông Thomas Veale, phát ngôn viên liên quân chống khủng bố của Mỹ nói với tờ Military Times.
“Chiến dịch Nhổ cỏ tận gốc do Mỹ dẫn đầu cùng các đối tác SDF không liên quan tới cuộc nội chiến chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chúng tôi cũng không muốn dính líu vào cuộc chiến đó. Chúng tôi ở Syria với mục tiêu là diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và thiết lập các điều kiện cần thiết để xây dựng ổn định khu vực”, ông Thomas Veale nói thêm.
Như vậy, thông qua thông điệp mà Mỹ phát đi có thể thấy chính quyền Washington đang dần buông tay hơn tại chiến trường Syria.
Coi trọng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, nói rằng giới chức Washington dường như đã đồng thuận với việc quân Chính phủ Syria sẽ tái chiếm các vùng đất do phiến quân chiếm đóng mà không thuộc vùng ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ.
“Có vẻ như Washington đã đưa ra quyết định rằng Israel cần phải tự lo mọi chuyện ở vùng Cao nguyên Golan và có thể tự vẽ ra đường lằn ranh đỏ đối với Iran ở Syria.
Israel muốn Mỹ nhảy vào làm việc đó, vì trước đây Tel Aviv từng khẳng định sắp xảy ra một cuộc chiến ở Syria nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Iran, nhưng dường như điều đó là không thể”, Joshua Landis nhấn mạnh.
Việc Mỹ không mấy mặn mà với việc chống lại lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Daraa và Tây Nam Syria cũng khiến các chuyên gia đưa ra nhận định SDF cuối cùng cũng sẽ phải tìm cách đàm phán với Damascus và Nga.
Các lực lượng chiến binh người Kurd giờ đây bị buộc phải rời khỏi thị trấn chiến lược Manbij sau khi giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một thỏa thuận.
Thỏa thuận này như một sự chấp thuận của Washington trước những yêu cầu của Ankara và cho thấy rằng Mỹ sẵn sàng “từ bỏ” người Kurd – dù đây là lực lượng chính giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
“SDF đang cố gắng không để thua. Lãnh đạo SDF đã kêu gọi các cuộc đàm phán mở với chính quyền Damascus để có được những thỏa thuận liên quan tới quyền tự trị. Thỏa thuận Manbij mới đây giữa Mỹ và Thổ là một tín hiệu cực xấu đối với người Kurd”, chuyên gia Landis nhận xét.
Chỉ vài tháng trước, giới chức Mỹ cho hay họ sẽ không nhường lại đất ở Manbij. Nhưng nay tình thế đã thay đổi, Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng giao lại vùng chiến lược này cho Ankara để duy trì mối quan hệ giữa hai phía, ông Landis nói.
“Daraa là bằng chứng rõ ràng cho thấy Mỹ đang tìm cách thoái thác những lời cam kết của mình tại Syria”, chuyên gia kết luận. Mỹ đang dần tìm đường lui trước tình thế chiến thắng rõ ràng của Nga và Syria tại chiến trường này.
Xem thêm: “Vũ khí đặc biệt” sắp được đưa vào hạm đội tàu Hải quân Mỹ