Chính phủ Nga đang xem xét ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu trong khoảng thời gian ngắn, nhằm thử nghiệm các hệ thống chống tấn công mạng của nước này.
Cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra trước tháng 4 năm 2019. Một khi thực hiện, quá trình truyền dữ liệu qua lại giữa các công ty và cá nhân ở Nga sẽ chỉ diễn ra bên trong nước.
Kế hoạch trên là một phần trong dự thảo luật mang tên “Chương trình Quốc gia Kinh tế Kỹ thuật số” được trình lên Quốc hội Nga năm 2018. Những quy định này yêu cầu những thay đổi kỹ thuật để cho phép mạng internet ở nước này hoạt động độc lập. Ngày 1/4 sắp tới được cho là hạn chót để trình những chỉnh sửa đối với bản dự thảo luật nói trên nhưng thời gian thử nghiệm vẫn chưa được ấn định.
Thử nghiệm này giúp Nga mô phỏng các phản ứng mà họ đưa ra khi phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh quốc gia. Thêm vào đó, thử nghiệm cũng là một cách để xem Matxcơva sẽ sử dụng Internet chống lại lợi ích nước ngoài như thế nào.
Theo hãng BBC (Anh), các nước thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng đồng minh đã đe dọa trừng phạt Nga về những vụ tấn công mạng cũng như can thiệp trực tuyến mà Moskva thường bị cáo buộc tiến hành. Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ này.
Nếu cuộc thử nghiệm thành công các nhà cung cấp Internet của Nga sẽ có khả năng chuyển hướng lưu lượng truy cập web tới các điểm định tuyến trong nước và dựa vào bản sao Hệ thống tên miền (DNS) của riêng họ, các danh mục tên miền và địa chỉ làm nền tảng cho Internet toàn cầu.
Hiện tại có 12 tổ chức giám sát các server chính cho DNS song không server nào đặt tại Nga. Tuy nhiên, việc nhiều bản sao sổ địa chỉ Internet đã tồn tại bên trong lãnh thổ Nga cho thấy những hệ thống mạng của họ có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị các nước cấm vận Internet. Bên cạnh đó, chương trình thử nghiệm dự định sẽ liên quan đến khả năng các ISP chứng minh rằng họ có thể chuyển hướng dữ liệu đến các điểm định tuyến do chính phủ kiểm soát.
Chính phủ Nga đang rót vốn đầu tư cho các ISP sửa đổi cơ sở hạ tầng của họ để đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh mạng cấp thiết.
Bá Di (Tổng hợp)