Theo đánh giá của tờ CNN, nếu để tìm một chính quyền Mỹ cá tính nhất và tạo ra nhiều sự kiện đặc biệt và bất ngờ nhất thì không nghi ngờ gì hơn, đó chính là chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.
Việc sa thải một Ngoại trưởng Mỹ bằng một dòng thông báo trên mạng xã hội được cho là sự việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ. Trước đây, từng có hai Ngoại trưởng Mỹ cũng đã từ chức trước khi hết nhiệm kỳ. Thứ nhất là cựu Ngoại trưởng William Jennings Bryan, từ chức năm 1915 để phản đối Tổng thống Woodrow Wilson thả lỏng chủ nghĩa quân phiệt ở châu Âu. Thứ hai là cựu Ngoại trưởng Cyrus Vance đã rời bỏ chính quyền Jimmy Carter để phản đối một nhiệm vụ bí mật nhằm giải cứu những con tin Mỹ ở Iran.
Ngoài ra, cựu Ngoại trưởng Alexander Haig cũng đã ra đi khi chưa hết nhiệm kỳ bởi sự cạnh tranh trong chính quyền cựu Tổng thống Reagan. Tuy nhiên, kể từ năm 1945 tới nay, chưa có ai bị sa thải bởi Tổng thống như trường hợp của ông Tillerson.
Nhưng tờ CNN cũng nhận định, dường như số ngày mà ông Tillerson tại nhiệm cũng đã được ấn định ngay từ khi ông bắt đầu ngồi vào vị trí đứng đầu bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Trump đã từng cân nhắc một số nhân vật khác như Rudy Giuliani hay Mitt Romney vào vị trí này, nhưng cuối cùng ông đã chỉ định Tillerson.
Dù vậy, ông Tillerson trước đó chưa bao giờ có tầm ảnh hưởng nhất định đối với suy nghĩ của ông Trump, thậm chí ngay cả khi đã được bổ nhiệm. Nhiều khả năng sự khác biệt quá lớn giữa quan điểm của ông Tillerson và ông Trump về một loạt các vấn đề từ Triều Tiên, Iran tới quan hệ với Nga là lý do khiến Ngoại trưởng Mỹ phải ra đi.
Càng dễ hiểu hơn khi ông Trump quyết định để ngài Ngoại trưởng ra đi vào thời điểm chỉ ít ngày sau khi diễn ra cuộc gặp các quan chức cao cấp giữa hai miền Triều Tiên. Nếu cần có một kết luận chắc chắn nào đó để nói về vụ việc lần này thì đó là việc từ lâu ông Tillerson đã bị chính quyền Trump cho “ra rìa”, theo CNN.
Nhưng ông Tillerson đã không tự cứu chính mình. Ông tiếp tục chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ, sau khi ông Trump đưa ra phản ứng với vụ bạo lực hồi cuối năm ngoái ở Charlottesville, Virginia. Ông Tillerson nói: “Tổng thống đang nói cho chính mình”, và nhiều tháng sau đó, một số nguồn tin cho rằng ông Tillerson đã gọi Tổng thống là “con nít”.
Ông Tillerson cũng đã chọn việc tập trung vào cải cách bộ Ngoại giao Mỹ, tạo ra nhiều vấn đề tinh thần lớn lao trong nội bộ cơ quan này và tự mô tả bản thân như một vị Giám đốc điều hành (CEO) hơn là một nhà ngoại giao hoạch định chích sách. Có thể nói, ông Tillerson đã vô tình khiến bản thân trở nên mờ nhạt hơn trong các phát biểu trước công chúng.
Nhưng theo CNN, sự thực là làm việc dưới quyền ông Donald Trump, Ngoại trưởng Tillerson chưa hề có cơ hội thể hiện. Khoảng đầu mùa Thu năm ngoái, xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng ông Trump đã cân nhắc thay thế Tillerson bằng Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (CIA) Mike Pompeo.
Điều gì khiến ông Trump đường đột sa thải Ngoại trưởng Mỹ cho tới nay vẫn chưa được làm rõ. Song theo CNN, cách nhìn nhận của ông Tillerson về vấn đề Triều Tiên trái ngược với ông Trump là một trong những nhân tố then chốt dẫn tới quyết định lần này.
CNN cho hay, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố chấp nhận lời mời gặp gỡ trực tiếp từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhận được một cuộc gọi tới phòng khách sạn từ Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Kelly thông báo với Tillerson rằng thời gian tại nhiệm của ông sắp kết thúc.
Chỉ ít giờ đồng hồ trước khi ông Trump quyết định chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson phát biểu rằng Washington vẫn có "chặng đường dài phía trước” trước khi đi tới đàm phán chính thức.
Dù mâu thuẫn trong thông điệp giữa Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng Rex Tillerson trên đây không phải tác nhân trực tiếp dẫn tới việc quyết định sa thải, nhưng cách thức tiếp cận của ông Tillerson với vấn đề Triều Tiên từ lâu nay đã được đánh giá là có quá nhiều khác biệt đối với ông chủ Nhà Trắng.
"Hãy cứ gặp nhau. Chúng ta có thể nói về thời tiết nếu các ông muốn. Sau đó chúng ta có thể bắt đầu đem bản đồ ra, một bản đồ lộ trình – điều mà chúng ta sẵn sàng hướng tới", Ngoại trưởng Tillerson từng khẳng định hồi tháng 12/2017.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, ông Trump vẫn miệt mài công kích Triều Tiên trong nhiều bài phát biểu và những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter. Cách tiếp cận của Tổng thống dường như trái ngược hoàn toàn với Tillerson, do vậy việc Ngoại trưởng phải ra đi là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra và nằm trong tầm dự đoán.
Xem thêm: Syria: SAA bất ngờ phát hiện nhà máy hóa chất bí mật của khủng bố