Chỉ bán cây nhỏ
Tịnh Biên là huyện biên giới thuộc tỉnh An Giang, nơi có hơn 100.000 cây thốt nốt tồn tại từ lâu đời, tập trung rải đều ở các xã trên địa bàn huyện. Trong đó, có những cây thốt nốt đã trên 60 năm tuổi và hiện vẫn đang cho khai thác sản đường thốt nốt tốt.
Tại các xã Văn Giáo, An Phú và Vĩnh Trung thuộc huyện Tịnh Biên những ngày qua, thông tin thương lái tìm đến tận nhà dân để mua lại những cây thốt nốt từ 7 – 8 năm tuổi rồi chở đi rời khỏi huyện bằng ô tô tải đang là đề tài gây sự chú ý trong dư luận.
Là người có hơn 50 năm gắn bó với nghề trồng thốt nốt truyền thống, ông Nguyễn Văn Dậm (71 tuổi, ngụ ấp Phú Tâm, xã An Phú) cho biết, việc người dân trong vùng bán cây thốt nốt trong thời gian qua là có thật. Tuy nhiên, họ chỉ bán những cây con nhỏ, mọc gần nhau và không có giá trị khai thác, thay vì đốn bỏ.
Theo ông Dậm, thời gian trồng cây thốt nốt khá dài, phải sau hơn 20 năm thì cây mới bắt đầu cho khai thác sản xuất đường thốt nốt đặc sản. Khi cây bắt đầu khai thác sẽ thu lợi kinh tế xuyên suốt lâu dài nên cho dù có người mua giá cao thì người dân cũng không bao giờ bán. Hiện hơn 100 cây thốt nốt của gia đình ông Dậm đang trong giai đoạn khai thác, cho giá trị kinh tế khá ổn định.
Tiếp nối nghề trồng thốt nốt truyền thống từ ông cha, anh Huỳnh Văn Tán (29 tuổi, ngụ xã An Phú) cũng đều đặn mỗi sáng leo lên hàng chục cây thốt nốt để lấy nước mật từ hoa mang về sản xuất đường thốt nốt.
“Với hơn 70 cây thốt nốt của gia đình đang trong giai đoạn khai thác, khoảng 6 vụ/năm mang lại giá trị kinh tế được xem khá bền vững nên gia đình luôn bảo quản, gìn giữ từng cây thốt nốt quý hiếm”, anh Tán chia sẻ.
Tuyên truyền, nhắc nhở
Liên quan việc người dân bán cây thốt nốt, ông Nguyễn Thanh Tuyền – Phó Chủ tịch UBND xã An Phú khẳng định, không có việc người dân địa phương ồ ạt bán cây thốt nốt như thông tin lan truyền từ nhiều ngày qua.
Tại xã An Phú, chỉ có một hộ đồng bào Khmer đã bán 3 cây thốt nốt còn nhỏ, không có giá trị khai thác cho người có nhu cầu mua về trồng làm kiểng.
“Theo quy định, cây thốt nốt không nằm trong danh mục cây quý hiếm, người dân chủ yếu tự trồng, tự dưỡng, tuy nhiên sau khi nắm tình hình, cán bộ ấp đã đến tuyên truyền vận động người dân không nên bán cây thốt nốt cho thương lái”, ông Tuyền nói.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Hiếu Thuận – Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Tịnh Biên cho biết, thốt nốt là loại cây tồn tại từ lâu đời ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây có trường hợp người dân bán cây thốt nốt là do những cây ở vị trí cặp ranh đất, bờ ruộng, không phải cây để thác sản lượng đường thốt nốt. Còn người mua những cây thốt nốt chủ yếu để trồng làm cảnh ở khu công viên, nghỉ dưỡng.
Dù cây thốt nốt không nằm trong nhóm cấm, nhưng khi xảy ra tình trạng người dân bán cây thốt nốt nhỏ (vài năm tuổi), các cơ quan chức năng tại địa phương đã mời các chủ xe có tham gia vận chuyển làm việc. Đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở người dân không nên bán cây thốt nốt đặc sản có từ lâu đời. Người dân và các chủ xe nêu trên đã ý thức chấp hành và cam kết không tham gia vận chuyển cây thốt nốt ra khỏi huyện.
Thanh Lâm