Lý do nhà khoa học không chấp nhận với kết quả khảo sát Hồ Gươm

Lý do nhà khoa học không chấp nhận với kết quả khảo sát Hồ Gươm

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 7, 25/11/2017 12:50

GS.Dương Đức Tiến, chuyên gia nghiên cứu về tảo, cho rằng việc khảo sát phục vụ nạo vét Hồ Gươm của Hà Nội chưa thuyết phục.

Kết quả khảo sát chưa thuyết phục?

 

Xã hội - Lý do nhà khoa học không chấp nhận với kết quả khảo sát Hồ Gươm

Hồ Gươm với màu xanh đặc trưng hiếm có còn được gọi là hồ Lục Thủy. (Ảnh: Internet).

Liên quan đến sự kiện Hà Nội sắp tiến hành nạo vét, cải tạo môi trường nước Hồ Gươm, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TSKH Dương Đức Tiến - Chuyên gia nghiên cứu về tảo hàng đầu Việt Nam - cho biết, ông chưa thực sự hài lòng về kết quả khảo sát đánh giá của Hà Nội.

Là người đã nhiều năm nghiên cứu những loài tảo, vi tảo ở Hồ Gươm GS. Dương Đức Tiến chia sẻ: “Khi khảo sát phải tiến hành thu mẫu nhiều lần, phải có hình ảnh chứng minh, phải khảo sát đầy đủ vào các mùa trong năm”.

Đề cập đến con số loài vi tảo đặc hữu trong hồ qua khảo sát, vị chuyên gia này cho rằng khảo sát như trên là chưa thật đầy đủ và chưa chi tiết. Theo ông, các sinh vật đặc thù nói riêng của Hồ Gươm và loài tảo lục hay còn gọi tảo xanh đặc thù ở hồ này không thể biến mất.

 “Còn có những taxal (loài và dưới loài) vẫn còn tồn tại. Ví dụ, một sinh vật có đời ông, đời cha, đời cháu chắt thì có thể người ta chỉ khảo sát đến đời ông, đời cha… Dù thế, Hồ Gươm là hồ có hàng mấy trăm năm nên những sinh vật đặc hữu không thể mất đi được.

Khi khảo sát không thể chỉ khảo sát vào mùa hạ bởi mùa hạ là mùa bùng nổ của tảo độc. Tôi nhớ một nhà khoa học người nước ngoài đã khảo sát được hơn 100 loài tảo ở Hồ Gươm. Sự đa dạng thành phần loài mang tính bất biến”, GS. Tiến chia sẻ. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng kết quả khảo sát phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu tư về cả thời gian và tiền bạc cho khoa học.

Nhấn mạnh đến vai trò của những nhà khoa học trong công việc bảo vệ được tính đa dạng về loài ở Hồ Gươm, GS. Dương Đức Tiến nói: “Tôi không phản đối việc cải tạo, nạo vét Hồ Gươm nhưng tôi lưu ý rằng nếu có cải tạo thì phải có những tính toán thật chặt chẽ, không để hủy hoại những loài đặc hữu này. Đồng thời các tổ chức bảo vệ sự đa dạng sinh học nên cùng vào cuộc ngay từ bây giờ”.

Xã hội - Lý do nhà khoa học không chấp nhận với kết quả khảo sát Hồ Gươm (Hình 2).

GS.TSKH Dương Đức Tiến - Chuyên gia hàng đầu về ngành tảo Việt Nam.

Bày tỏ sự tiếc nuối với loài tảo xanh đặc hữu ở Hồ Gươm có thể bị đe dọa khi nạo vét, cải tạo không đúng cách GS.Tiến cho biết: “Tảo xanh còn gọi là tảo lục (tên khoa học là Chlorophyta). Tảo lục là ngành tảo lớn có ở nhiều hồ khác nhưng ở Hồ Gươm thì loài này có tính riêng biệt và không những quý hiếm với Việt Nam mà quý hiếm với thế giới.

Tảo này tạo nên màu xanh đặc trưng cho Hồ Gươm, cũng bởi vì có màu xanh đó nên Hồ Gươm còn được nhiều người gọi với tên là hồ lục thủy. Có nhà khoa học từng nghiên cứu phát triển để biến loài tảo này thành những nhiên liệu đốt. Do vậy nếu không bảo vệ tốt thì chúng ta sẽ có lỗi với đời sau”.

Chi bao nhiêu tiền cho khảo sát khoa học? 

Đồng quan điểm một số chuyên gia về sinh thái học (xin được giấu tên) cũng đặt câu hỏi rằng với số tiền gần 30 tỷ chi phí giành cho nạo vét như đã duyệt thì bao nhiêu trong đó cho việc khảo sát, đầu tư nghiên cứu tác động?

Theo chuyên gia này, cần phải có sự đầu tư thích đáng cả về thời gian và tiền bạc để khảo sát mới thu được kết quả xác thực, để từ đó có những biện pháp cải tạo cũng như bảo vệ phù hợp với những loài sinh vật đặc hữu mà chỉ Hồ Gươm mới có.

Trước những băn khoăn nói trên, PV đã liên hệ với các đơn vị chức năng của TP. Hà Nội tuy nhiên, câu trả lời nhận được cũng chỉ là sự hứa hẹn thông tin với báo chí trong buổi họp gần nhất.

Theo thông tin từ báo chí, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm của đơn vị chức năng, khảo sát tháng 6/2017 cho thấy: Đã xác định được 59 loài vi tảo, không có loài vi tảo đặc hữu hay quý hiếm.

Kết quả đánh giá cũng cho thấy, đa dạng sinh học của hệ sinh thái Hồ Gươm thuộc loại nghèo, chất lượng môi trường hồ ô nhiễm. Hầu hết loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn. Các loài cá chủ yếu là cá nhỏ, cá cảnh được người dân thả phóng sinh, các loài cá nuôi nhập nội được thả bổ sung vào hồ ngày càng chiếm ưu thế.

Quá trình khảo sát, nhà chức trách không gặp những loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng (trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN). Đối với hệ vi tảo, cơ quan chức năng thu mẫu, xác định ADN một số tảo lục đặc hữu và lưu trữ nguồn gene. Sau khi hoàn thành cải tạo môi trường nước, đơn vị thi công sẽ thiết lập môi trường phù hợp với các loài tảo lục đơn bào để giúp loài phát triển, trả lại màu xanh vốn có của nước Hồ Gươm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.