Ngày 25/9, nhà thơ Trần Lê Khánh đã ra mắt tập thơ Xứ, đây là một tập thơ đặc biệt với những cảm nhận chiều sâu cuộc sống. Tại sự kiện có sự xuất hiện của nhiều nhà thơ như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Lê Thiếu Nhơn, nhà phê bình Văn Giá, nhà phê bình Nguyễn Phượng... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng xuất hiện tại buổi ra mắt thơ với những tâm sự về cuộc sống, về thơ ca.
Tại sự kiện, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về con đường đến với thơ ca của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Hồi nhỏ, tôi sống ở một làng quê đậm chất Bắc Bộ, vùng đất Ứng Hoà (Hà Tây cũ), ven sông Đáy, hồi đó chưa chưa sách để đọc, trẻ con hồi đó chỉ được bà hay mẹ kể chuyện rồi nghe thôi. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với bờ ao, cánh đồng, cây lúa, củ khoai…
Nhà văn đầu tiên dậy tôi là bà nội tôi – một người không biết chữ những bà thuộc rất nhiều câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa, qua cách truyền miệng… Khi nghe những câu chuyện đó, tôi luôn thấy sự bí ẩn của cuộc sống trong đó.
Những năm 60 của thế kỷ trước, làng tôi là nơi sơ tán của nhiều trường Đại học, khi đó có nhiều người thành phố về lắm, trẻ con thành phố cũng về sơ tán về. Người thành phố về quê mang theo hai thứ rất “kỳ diệu”, đó là: bánh bích – quy và những cuốn sách. Bản thân tôi không bao giờ nghĩ, họ lại có nhiều thứ hay ho như vậy. Buổi tối, khi những đứa trẻ của thành phố đi ngủ, chúng tôi lẻn vào mượn sách để “ngấu nghiến” đọc. Tôi bắt đầu xây dựng cho mình một kho kiến thức về từ ngữ. Có lẽ chính vì thế mà "máu" văn chương đã ngấm vào người tôi lúc nào không hay. Và cả đời tôi đã đi theo văn chương như thế.
Vì vậy, sau này khi nhìn vào những bánh bích - quy, tôi vẫn có sự "ám ảnh" vì nhớ về tuổi thơ, nhớ về thời kỳ gian khó của gia đình mình".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ thêm, cho đến bây giờ, khi ngồi với bạn thơ, ông vẫn nói rằng, ông không tin một cậu bé sống ở ngoại thành Hà Nội với nhiều thiếu thốn lại trở thành nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như hôm nay.
“Tôi vẫn cảm ơn những năm tháng tuổi thơ ấy, cảm ơn những người Hà Nội đã sơ tán về làng tôi để đem theo những thứ thơm phức và lung linh để tôi cớ cơ hội tiếp cận với văn chương từ những ngày ấy” - Nguyễn Quang Thiều tâm sự.
Khi được hỏi, đọc giả ít thấy ông tham gia những buổi ra mắt thơ, vì sao ông lại tham gia buổi giới thiệu thơ của nhà thơ Trần Lê Khánh? Nguyễn Quang Thiều cho hay: "Trần Lê Khánh xuất hiện và mang đến một giọng thơ khác biệt. Ở đó vẻ đẹp tiếng Việt, hình tượng, hình ảnh, sự khám phá cùng tính thiền cao. Khi tôi đọc thơ Trần Lê Khánh và tất cả những câu thơ vang lên và tôi nhìn thấy một xứ khác.
Bên cạnh đó, bìa của tập thơ Xứ của Trần Lê Khánh lại do chính tôi vẽ. Trong đó có những bản vẽ tôi trực tiếp vẽ câu thơ, chép câu thơ mà tôi ấn tượng ".
Hiện tại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang là giám đốc nhà Xuất bản Hội nhà văn, kiêm Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông bảo, những thứ tạo nên Nguyễn Quang Thiều là tuổi thơ nơi làng quê Bắc Bộ. Cho đến bây giờ, ông vẫn đau đáu những hình ảnh về làng quê ấy, với con đò, gốc tre, bờ đê…