Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).
Không còn xăng để bán!
Báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường An Giang, một số đơn vị kinh doanh ở huyện Thoại Sơn có tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động. Các trường hợp này có báo cáo về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công Thương tỉnh An Giang với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PVoil), theo Dân trí.
Cụ thể, 7 trường hợp ngưng hoạt động gồm 4 cửa hàng xăng dầu Trung Thắng (đến nay đã hoạt động lại 1 cửa hàng; còn 3 cửa hàng đóng cửa).
Còn ở doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ, Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) thông tin hiện nay nguồn xăng không đủ giao cho doanh nghiệp, Petrolimex hẹn đến ngày 8/2 mới giao xăng cho doanh nghiệp.
Ngoài nhiều trường hợp ở huyện khác theo báo cáo của cơ quan quản lý thị trường, có tình trạng ngừng hoạt động do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.
"PVoil có gửi thông báo cho đại lý với nội dung như sau: "Kính gửi quý khách hàng! Do tàu xăng dầu không về kịp, kho An Giang dừng cung cấp xăng 95 cho đến khi có thông báo mới, dầu DO (diesel) và xăng E5 vẫn cung cấp bình thường", báo cáo của cơ quan quản lý thị trường trích dẫn.
Không chỉ có An Giang, Tp.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện cũng đã có một số cây xăng tạm ngưng hoạt động lý do: thiếu xăng Ron 95 để bán, tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và một số lý do khác.
Càng bán càng lỗ?
Trao đổi với Zing News, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán không chỉ do thiếu nguồn cung và còn vì giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.
"Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của Nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng", ông than.
Ông Thắng chia sẻ thêm, gần đây thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra một ngày doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chịu thêm nhiều chi phí.
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Ngọc Thới - giám đốc DNTN An Kiên - cho biết trước đây ông bán xăng cho các cửa hàng bán lẻ có hoa hồng từ 200 - 1.000 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung khan hiếm nên không có đại lý nào bán xăng có lãi cả. Một số đầu mối phân phối thì "hoa hồng bằng không" nên các cửa hàng bán xăng đều thua lỗ từ 200 - 300 đồng/lít.
"Tết này, các chủ cây xăng không được vui xuân mà phải bán phục vụ cho bà con, còn thua lỗ đủ thứ chi phí. Nguyên nhân chính là ngày 21/1 vừa qua điều chỉnh giá xăng dầu nên đầu mối kinh doanh xăng dầu thua lỗ, mà đầu mối thua lỗ thì họ phải bán lại hoa hồng bằng không. Vì vậy, đến cấp cuối cùng phải chấp nhận chịu lỗ các chi phí: hao hụt, vận chuyển, nhân công…", ông Thới chia sẻ với báo Tuổi Trẻ Online.
Trước đó, ngày 28/1, Bộ Công Thương có công điện yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác quản lý, thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Chiều 8/2, trao đổi với báo chí, đại diện Tổng cục QLTT cho biết đơn vị vẫn đang tiến hành kiểm tra, giám sát theo chỉ thị của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo nhanh, từ ngày 28/1 đến nay, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang), lực lượng QLTT có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như: Không có đủ nguồn cung, lượng tiêu thụ xăng dầu của người dân tăng cao, không có đủ nhân lực.
"Trong những ngày tới, lực lượng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1 của Bộ Công Thương", đại diện Tổng cục QLTT cho biết.
Áp lực lớn, xăng dầu sắp vào đợt tăng mạnh?
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá. Trong đó, giá gas, giá xăng dầu đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Giá bán lẻ gas bắt đầu tăng từ ngày 1/2 (tức ngày Mùng 1 Tết) do tác động của giá thế giới tăng.
Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt. Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Mặt khác, chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam - đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do khó khăn về tài chính sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
So với nhu cầu xăng dầu trong nước khoảng 18 triệu tấn/năm, sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu (xăng sản xuất trong nước đáp ứng trên 90% và dầu DO đáp ứng trên 60%). Bộ Công Thương dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng ở mức 5-10%.
Nguồn cung xăng dầu ở Việt Nam hiện còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao.
Giá dầu thế giới tăng 'sốc' vào ngày 4/2 do bão tuyết hoành hành tại nhiều khu vực ở Mỹ gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. Có thời điểm, giá dầu Brent đã leo đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10/2014.
Tới phiên giao dịch ngày 5/2 và 6/2, giá dầu thế giới vẫn ở xu hướng tăng. Tuy nhiên, tới ngày 7/2, giá dầu Brent và dầu WTI đồng loạt quay đầu giảm xuống dưới 93 USD/thùng. Cả hai loại dầu thô đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Giá dầu thế giới tăng mạnh đã khiến xăng dầu ở Việt Nam leo thang. Giá xăng dầu trong nước đã có 3 lần tăng liên tiếp.
Các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày 11/2 được dự báo sẽ tăng mạnh theo giá xăng dầu thế giới.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 21/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 436 đồng/lít, không cao hơn 23.595 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 484 đồng/lít, không cao hơn 24.360 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, tăng 664 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, tăng 655 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg, tăng 631 đồng/kg.
Hương Anh (tổng hợp)