Khi niềm tin thấp thì chi phí tăng
Với kinh nghiệm trực tiếp diễn thuyết, đào tạo, tư vấn cho trên 1.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là những tập đoàn đa quốc gia, diễn giả Francis Hùng (tên đầy đủ Vương Hữu Hùng) đưa ra nhận định: “Tư duy kinh doanh của người Việt Nam là không ai phục ai. Điều này xuất phát từ đặc thù nền kinh tế của chúng ta chỉ vừa mở cửa gần đây. Cho nên, người ta nghi ngờ nhau là rất phổ biến. Mà khi nơi nào lòng tin thấp thì chi phí tăng”.
“Vì lòng tin thấp nên chúng ta có rất nhiều giấy tờ cần phải công chứng, lưu nhiều nơi, dẫn đến chi phí quản trị tăng. Cũng vì lòng tin thấp mà chúng ta phải trải qua nhiều vụ kiểm tra chéo, thậm chí khi có đầy đủ tiêu chuẩn vẫn không tin nhau”, diễn giả Francis Hùng nhận xét.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam, diễn giả Francis Hùng quan tâm nhất là các hộ kinh doanh cá thể. Anh cho rằng, nếu được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh và làm tốt thương hiệu của mình, những người dân bán bún bò, hủ tiếu, bán xôi ven đường cũng có thể trở thành chủ của những tập đoàn lớn.
Ông Hùng chia sẻ: “Ở nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhiều tập đoàn lớn đều xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể. Họ xuất phát từ những hộ kinh doanh gia đình rồi dần dần học hỏi, phát triển và trở thành những tập đoàn hùng mạnh. Nhưng tại Việt Nam, rõ ràng là rất nhiều hộ gia đình kinh doanh có quy mô lớn vẫn không chịu trở thành doanh nghiệp dù lực lượng lao động này đóng góp rất lớn vào nền kinh tế”.
Đóng thuế là yêu nước
Diễn giả Francis Hùng thằng thắn cho rằng, tâm lý chung của các tiểu thương này là sợ phiền phức, thậm chí là “né” thuế. Nói về thực trạng này, chuyên gia Francis Hùng trình bày: “Trước hết cần phải khẳng định, đóng thuế là yêu nước. Vì người kinh doanh cần hiểu rằng, số tiền đóng thuế chính là thể hiện giá trị và quy mô doanh nghiệp của họ”.
Ông cũng cho rằng, người dân chưa có giải pháp cho việc kinh doanh của mình là do họ không được đào tạo kỹ năng quản lý và nhiều yếu tố khác. Chính vì vậy, diễn giả Francis Hùng sẽ cùng các cộng sự của mình xây dựng các chương trình đào tạo, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể.
Diễn giả và các cộng sự sẽ có những bước khảo sát nhu cầu của người dân xem họ có muốn phát triển công việc của gia đình mình lên hay không, xem họ có nguyện vọng, mong muốn như thế nào và gặp khó khăn gì trong kinh doanh. Sau đó, sẽ có các chương trình để ông Francis Hùng diễn thuyết với cộng đồng kinh doanh cá thể. Những người đang kinh doanh sẽ được chia sẻ việc làm cách nào để vươn tầm xa hơn cho hộ kinh doanh của mình và phát triển mạnh mẽ hơn.
“Chúng tôi mong muốn người kinh doanh nghèo có thể phát triển thành người kinh doanh khá, người kinh doanh giàu và thậm chí có thể thành những tập đoàn. Bánh chưng hay tô mì Quảng đều có thể tiếp cận các thị trường quốc tế nếu người kinh doanh được hỗ trợ tốt. Tại sao người dân nước khác có thể mang sushi, kimchi đi khắp thế giới mà chúng ta lại không?”, ông Francis Hùng bày tỏ.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác kinh doanh tại Hoa Kỳ, chuyên gia tư vấn chiến lược Francis Hùng nhận thấy khi kinh doanh tại Mỹ, điều các doanh nghiệp Việt Nam yếu nhất là không hiểu rõ luật pháp của nước sở tại. Kinh nghiệm 20 năm làm việc tại Hoa Kỳ giúp anh hiểu rằng hệ thống luật pháp của Mỹ vô cùng phức tạp.
“Từng người luật sư của Hoa Kỳ chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực chứ không bao quát tất cả. Vì vậy, doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh tại Mỹ muốn đầu tư vào lĩnh vực nào thì phải tìm đúng hãng luật có kinh nghiệm về lĩnh vực đó. Thậm chí, giấy phép hành nghề của luật sư Hoa Kỳ còn bị giới hạn bởi lãnh thổ của tiểu bang, ví dụ như chỉ được hành nghề tại Califonia, Texas,…chứ không phải toàn quốc. Sự chi tiết đó nhằm đảm bảo lời tư vấn về pháp lý của từng luật sư có giá trị thật”, anh chia sẻ.
Sau khi đảm bảo tuân thủ luật pháp, chuyên gia Francis Hùng khuyên các doanh nghiệp Việt cần chú ý hành vi tiêu dùng của thị trường Hoa Kỳ. Anh cho hay: “Khi doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ, họ không chỉ cạnh tranh với hàng nội địa của Hoa Kỳ mà thật ra đang phải chiến đấu khốc liệt với hàng hóa từ khắp thế giới cũng đang chen chân vào nền kinh tế lớn nhất.
Cho nên, doanh nghiệp Việt không thể chỉ chăm chăm tìm hiểu xem Hoa Kỳ đang sản xuất gì để cạnh tranh mà các đối thủ khác như Anh, Pháp, Tây Ba Nha, Thái Lan, Trung Quốc,… cũng rất cần quan tâm. Phải nhìn được cả bức tranh kinh doanh một cách toàn diện, khách quan khi muốn vươn ra biển lớn”.