Nga và các đồng minh ở Syria – chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn – đang liên tục gia tăng sức ép đối với lực lượng quân đội Mỹ thông qua các chiến dịch quân sự lớn.
Cùng với việc vi phạm lệnh ngừng bắn ở phía Nam Syria, các quốc gia đồng minh của chính quyền Assad đang tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi vùng phía Đông và phía Bắc Syria.
Một lực lượng hỗn hợp của Syria, Nga, Iran đã di chuyển lại gần khu vực Mỹ kiểm soát như một hành động nhằm thử phản ứng của Washington. Diễn biến này tương tự như một số vụ việc diễn ra trong suốt 12 tháng vừa qua, trong đó đáng chú ý là việc quân Syria bị cáo buộc tấn công lực lượng do Mỹ hậu thuẫn vào tháng Hai ở gần sông Euphrates. Hành động của Nga-Syria đã bớt cường độ sau khi có thông tin cho rằng khoảng 200 lính đánh thuê Nga đã thiệt mạng do Mỹ không kích.
Vậy tại sao thời điểm này ông Putin lại quyết định phá vỡ và gia tăng căng thẳng ở Syria, đặc biệt tại khu vực Tây Nam? Theo lý giải của Washington Examiner, phần lớn hành động từ Nga-Syria là do sự không hài lòng của Moscow đối với quá trình thực hiện cam kết của ông Trump về việc rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.
Nói một cách đơn giản, Moscow cảm thấy giận dữ vì quyết định của ông Trump về việc duy trì lính Mỹ ở Syria dưới sự cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Điều đó cản ông Putin củng cố quyền lực của chính quyền Assad và theo đuổi những lợi ích địa chính trị lớn hơn ở Trung Đông.
Việc ông Putin vẫn chưa thể kết thúc cuộc chiến ở Syria cũng gia tăng áp lực đối với Moscow vốn đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế trong khi vẫn phải chi tiền duy trì hiện diện quân sự trên đất Syria. Đối với Nga, việc duy trì hiện diện quân sự ở một cuộc chiến chưa rõ hồi kết là một điều không hề dễ dàng. Do đó, việc Nga thúc ép Mỹ hành động bằng cách gia tăng các hoạt động quân sự ở Syria là điều cần thiết.
Hiện tại, Nga đang cố gắng gây sức ép với Mỹ tại phía Nam Syria để buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó, Nga cũng chấp nhận việc triển khai lực lượng tinh nhuệ Hổ Syria của quân đội Syria tại khu vực ngoại ô thành phố Daraa. Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự hợp tác của Nga và Israel tại phía Nam Syria thời gian gần đây đã gia tăng tới một mức độ chưa từng có. Do đó, Mỹ đang nỗ lực gây sức ép buộc Nga thực hiện các cam kết đưa ra trong thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria mà hai bên nhất trí vào tháng Bảy năm ngoái.
Theo thỏa thuận, để các lực lượng của Iran cùng lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn rút ra khỏi khu vực Tây Nam Syria thì Mỹ phải đóng cửa căn cứ quân sự Al-Tanf. Đây là một căn cứ nằm ở phía Nam tỉnh Homs, giáp biên với Iraq, từng được Mỹ sử dụng để đào tạo phe đối lập Syria. Chính phủ Syria và đồng minh Iran luôn hy vọng giành quyền kiểm soát khu vực này cùng cửa khẩu biên giới al-Waleed để mở tuyến đường cao tốc nối liền Baghdad và Damascus.
Ngoài ra, Mỹ còn đề nghị Moscow tác động để lực lượng dân quân Syria chỉ được đồn trú tại khu vực cách biên giới với Jordan từ 20 đến 25km, đưa các thành viên của phe đối lập và gia đình họ tới tỉnh Idlib, mở lại cửa khẩu biên giới Nasib giữa Syria với Jordan, cũng như hình thành một cơ chế chung Nga-Mỹ giám sát thỏa thuận.
Các chuyên gia phân tích cho rằng để đạt được những mục tiêu trên, Lầu Năm Góc cũng phải đánh đổi lợi ích của Mỹ. Nhưng trên thực tế Washington có rất ít lựa chọn. Kịch bản đầu tiên là Mỹ buộc phải “ngồi ghế sau”, từ bỏ tất cả ảnh hưởng tại khu vực Tây Nam Syria để đổi lấy việc Iran tránh xa khu vực biên giới Israel và Jordan. Trong trường hợp đó, Kremlin sẽ độc quyền nắm giữ các quy tắc đối thoại trong khu vực.
Một khi kịch bản này xảy ra, Washington sẽ phải chịu tiếng xấu vì từ bỏ đồng minh, mà cụ thể ở đây là nhóm phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA). Nhưng lúc đó Mỹ sẽ có thể tập trung toàn bộ nguồn lực bảo vệ các căn cứ quân sự tại khu vực Đông Bắc Syria, thay vì dàn trải lực lượng cả ở hai phía.
Kịch bản thứ hai ít xảy ra hơn, trong đó chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm sống lại vai trò của Mỹ tại mặt trận phía Nam. Các chiến đấu cơ của Mỹ có thể tấn công quân đội Syria trong bối cảnh Syria đang nỗ lực giành quyền kiểm soát các tỉnh Daraa và Quneitra. Mỹ cũng có thể mở lại tuyến đường tiếp vận qua Jordan cho lực lượng FSA. Kịch bản này, về mặt kỹ thuật đồng nghĩa với việc làm tái leo thang căng thẳng cuộc xung đột tại Syria. Đối với Mỹ, cả hai kịch bản trên đều “khó nhằn” mà giới chức quốc phòng nước này luôn muốn né.
Xem thêm: Syria: Người Kurd đổi đồng minh, quay lưng với Mỹ tìm đến Nga?