Gạt Mỹ khỏi bàn cờ Trung Đông?
Một cách bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan điểm ôn hòa hơn trước những diễn biến gần đây tại Syria.
Đầu tiên, ông để Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thuyết phục bản thân trì hoãn cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào tỉnh Idlib của Syria. Sau đó, ông cố ý “né” một cuộc xung đột với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên quan tới vụ máy bay Nga bị bắn hạ.
Sự “mạo hiểm” của ông Putin đã định hình phần nào kết quả cuộc chiến Syria. Nhưng trong giai đoạn cuối của cuộc xung đột, ông đang phải đối mặt với những hạn chế mạnh mẽ về các hoạt động quân sự cứng rắn tại quốc gia Trung Đông này.
Một trong những thành lựu lớn nhất Nga đạt được tại Syria là gạt thành công Mỹ ra khỏi cuộc chơi Trung Đông và tự định vị bản thân là một bên đầy quyết đoán.
Vào ngày 17/9, ông Putin và ông Erdogan đã đồng ý thiết lập một khu vực phi quân sự ở tỉnh Idlib (Syria) dưới sự tuần tra thường xuyên của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Đây là một bước ngoặt từ ý định trước đó của Nga trong việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm tái chiếm Idlib. Thật khó để tưởng tượng rằng ông Putin bị ảnh hưởng bởi những cảnh báo của ông Erdogan rằng một tấn công Idlib có thể dẫn tới một cuộc “tắm máu”.
Trong một tình huống tương tự trước đây, khi ông Assad tái chiếm Aleppo vào năm 2016 với sự hỗ trợ của Nga, ông Putin đã phớt lờ những cảnh báo như vậy.
Vài giờ sau khi thỏa thuận Idlib được công bố, một chiếc máy bay quân sự của Nga chở 15 quân nhân đã thiệt mạng tại Syria do bị bắn hạ. Tờ CNN dẫn nguồn tin của Chính phủ Mỹ cho hay chính lực lượng phòng không Syria đã khai hỏa do nhầm lẫn.
Một số hãng truyền thông Nga hoài nghi về thông tin trên, cho rằng phía Israel là nguyên nhân gây ra vụ việc, do lúc đó Israel cũng đang tiến hành một cuộc không kích nhằm vào Syria.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận, Syria đã phóng tên lửa, nhưng vẫn cho rằng có một phần lớn lỗi là do Israel, nhấn mạnh Israel chỉ báo một phút trước khi thực hiện cuộc tấn công, không đủ thời gian để máy bay Nga về nơi an toàn. Đồng thời, Bộ nhấn mạnh rằng Israel cố ý đẩy máy bay Nga làm lá chắn trước hệ thống phòng thủ của Syria đang phản công.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã có một cuộc điện đàm đầy giận dữ với người đồng cấp Israel, nói rằng Bộ có quyền được “đáp trả đầy đủ” sau vụ việc đáng tiếc nêu trên.
Nhưng đến ngày 18/9, ông Putin “hạ tông” khi nhắc về sự kiện này trong một cuộc họp báo. Mặc dù khẳng định đã chấp thuận tuyên bố của bộ Quốc phòng song Tổng thống Nga kiềm chế không đổ lỗi cho Israel.
Ông phủ nhận rằng vụ việc lần này không giống như sự cố Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga năm 2015, dẫn tới những rạn nứt tạm thời trong quan hệ Nga-Thổ và các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một cuộc điện đàm, ông Putin chỉ đơn thuần kêu gọi Thủ tướng Israel tuân thủ các thỏa thuận liên quan tới khu vực chống xung đột.
Câu hỏi bỏ ngỏ
Tờ The Moscow Times đặt ra câu hỏi: Liệu ông Putin phải chăng đột nhiên nhẫn nhịn trong giai đoạn cuối của xung đột Syria?
Trong năm 2016, ông được giới quan sát dự đoán là sẽ thách thức ông Erdogan tại Idlib cũng như ông Netanyahu, với khả năng thiết lập một chiến dịch tuyên truyền chống Israel và ngăn cản Tel Aviv tại Syria. Nhưng tới cuối năm 2018, mọi chuyện không như vậy.
Sự thay đổi đó có thể là do Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không giống như cựu Tổng thống Barack Obama, ông Trump không ngần ngại sử dụng vũ lực chống lại Syria.
Ông đã cho tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria và đồng ý cho quân đội đóng quân ở đó vô thời hạn. Lời cảnh báo của ông Erdogan với cuộc tấn công tại Idlib nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ.
Ông Putin không thể hi vọng những căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ khiến liên minh giữa hai nước này sụp đổ. Tại Idlib, lợi ích của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã được liên kết.
Sự cân bằng lực lượng đã thay đổi kể từ khi Nga bước chân vào cuộc chiến từ 3 năm trước, nhưng sự sẵn sàng lội ngược dòng của ông Trump đóng vai trò lớn trong sự thay đổi đó.
Hiện tại, để giải quyết những vấn đề trước mắt tại Syria, ông Putin cần phải thận trọng hơn. Một mặt, ông cần ghi điểm bằng việc sẵn sàng thỏa hiệp, mặt khác ông không được thể hiện sự nhu nhược.
Đó có lẽ là tình thế khó khăn đối với nhà lãnh đạo Nga kể từ năm 2015. Cho dù ông Putin có thể giải quyết được những khó khăn sắp tới liên quan tới Idlib song những gì xảy ra phía sau đó cũng sẽ rất quan trọng đối với vai trò của Nga ở Trung Đông.
Xem thêm: Hành động lập tức của Nga sau khi máy bay bị Syria bắn hạ nhầm