Theo ông Darmanin, cơ quan chức năng Pháp được lệnh kiểm tra khoảng 1 triệu người liên quan việc tổ chức Olympic - bao gồm các tình nguyện viên, người cầm đuốc.
Đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra được 180.000 người và đã loại 800 người, trong đó có 15 đối tượng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.
"Có 1 triệu cuộc kiểm tra phải được thực hiện; chúng tôi đã thực hiện 180.000 cuộc kiểm tra. Chúng tôi đã loại trừ 800 người, trong đó có 15 người thuộc diện "Fiches S" (những mối đe dọa nghiêm trọng nhất)", vị bộ trưởng cho hay.
"Điều đó có nghĩa là có những người muốn đăng ký rước đuốc, làm tình nguyện viên tại Thế vận hội nhưng rõ ràng là không có ý định tốt", ông Darmanin nói.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp tiết lộ danh sách bị loại có "những tín đồ Hồi giáo cực đoan" cũng như "những người có tư tưởng cực đoan về môi trường và muốn biểu tình".
Bộ Nội vụ Pháp cũng cho biết trước khi Olympic Paris 2024 khai mạc vào ngày 26/7/2024, toàn bộ 10.500 vận động viên tham gia tranh tài Olympic và 4.400 vận động viên tham gia Paralympic sẽ được kiểm tra lý lịch. Các huấn luyện viên và nhân viên y tế của các đoàn thể thao, cũng như 26.000 nhà báo được cấp thẻ tác nghiệp tại Olympic Paris 2024 cũng sẽ trải qua quá trình sàng lọc này.
Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7/2024 đến ngày 11/8/2024, sau đó là Paralympic từ ngày 28/8/2024 đến ngày 8/9/2024.
Reuters hôm 29/3 đưa tin Pháp cũng đã yêu cầu khoảng 45 quốc gia nước ngoài đóng góp vài nghìn nhân sự quân đội, cảnh sát cũng như lực lượng dân sự để giúp bảo vệ Thế vận hội Paris vào mùa hè này, trích dẫn các nguồn tin chính phủ.
Pháp có kế hoạch triển khai khoảng 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh chính phủ, 20.000 nhân viên an ninh tư nhân và khoảng 15.000 nhân sự quân đội mỗi ngày để bảo vệ sự kiện.
Việc cảnh sát nước ngoài được mời đến hỗ trợ quản lý số lượng lớn du khách nước ngoài trong các sự kiện thể thao quốc tế không mới, nhưng yêu cầu cung cấp hỗ trợ quân sự lại hiếm thấy hơn. Tại kỳ World Cup gần đây nhất ở Qatar, Pháp đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính quyền sở tại, bao gồm chó đánh hơi và nhân sự chống máy bay không người lái.
Nước Pháp được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất về nguy cơ tấn công khủng bố từ tháng 10/2023, sau khi đối tượng tình nghi là người Hồi giáo xông vào một trường học ở miền Bắc nước này và đâm một giáo viên khiến người này tử vong.
Pháp liên tục là mục tiêu của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong thập kỷ qua, đặc biệt là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, trong khi tình hình xung đột tại Dải Gaza hiện nay cũng đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong nước.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Thanh Niên)