Xuất hiện tình tiết mới trong vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình
Là cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc bộ Y tế, mới đây, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, bộ Y tế đã tìm ra tình tiết mới trong vụ tai biến chạy thận làm 8 người tử vong tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hồi tháng 5-2017.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, ông Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế cho rằng: Nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình không phải do các công bố như trước đây (là tồn dư HF trong quá trình làm sạch hệ thống), mà là hệ thống RO1 hỏng 3 van nước, đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.
Phía Viện cũng đã phân tích khoa học, chứng minh theo chiều thuận, tức là tôn trọng ý kiến của cơ quan điều tra để xem có tồn dư HF không? Nhưng khi phân tích chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc trong Kết luận điều tra, Cáo trạng, cả hai Bản án và lời khai trước toà của bị cáo cho thấy không thể có tồn dư HF trong tank RO2.
Lý do phía Viện đưa ra đó là: “Quốc đã thay van xả đáy tank RO2 và được Toà sơ thẩm xác nhận là tank RO2 đã hết nước khi kết thúc quá trình khử khuẩn đường ống cấp nước cho máy thận và đã xả 2 lần các đầu cấp nước cho các máy thận. Từ đó cho thấy, trong bồn RO2 không còn nước, do đó không thể còn tồn dư HF trong bồn RO2”.
Giải thích rõ hơn về việc này, ông Hải cho rằng, hệ thống bao gồm: Bồn chứa nước tinh khiết RO2, bơm, đường ống cấp tuần hoàn, đường hồi nước về bồn RO2 được cách ly hoàn toàn và không thể xâm nhập do các van cấp rửa màng và van cấp khử trùng đóng kín.
“Để xảy ra sự cố lần này, chính việc hỏng 3 van nước (K1, K2, K3) trong đó các van cấp rửa màng và van cấp khử trùng cùng nằm trên đường nối tắt (Bypass) của hệ thống RO1 không đóng kín đã mở thông con đường ô nhiễm để nước bẩn tự chảy tank RO2 cấp nước cho máy thận khi cả hai hệ thống RO1 và RO2 không hoạt động. Đây mới là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong”, ông Hải nói.
Vì mục đích khoa học
Khi được hỏi về lý do phục dựng lại hai hệ thống lọc nước RO1 và RO2, ông Lê Thanh Hải cho biết: Với vai trò là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ Y tế, được Bộ giao nghiên cứu tìm ra bản chất khoa học thực sự của nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình để sau này kiểm soát rủi ro.
“Công tác nghiên cứu khoa học là phải có bằng chứng, do vậy cần thiết phải phục dựng lại hệ thống lọc nước phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học”.
Để phục vụ công việc dựng lại hai hệ thống RO1 và RO2 cho công tác nghiên cứu, Bộ Y tế đã làm văn bản đề nghị phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa bình cho Viện mượn các bộ phận của hệ thống RO1.
Theo ông Hải, khi tiếp nhận thì hệ thống lọc nước RO1 đã bị tháo rời từng bộ phận; còn hệ thống RO2 cũng bị thanh lý, nhưng may mắn Viện đã thu gom được gần như toàn bộ và mang về phục hồi được nguyên trạng. Từ đó, Viện tiến hành nghiên cứu phân tích, thực nghiệm khoa học và tìm ra được kết quả phản ánh đúng thực tiễn khách quan của việc xảy ra vụ tai biến này.
Là người công tác trong ngành Y, ông Hải cho biết: Tai biến này là tai biến hy hữu trên thế giới và đến thời điểm này chưa từng xảy ra sự cố tương tự. Do vậy, một báo cáo phân tích khoa học một cách khách quan, cẩn trọng, tỉ mỉ không chỉ giúp cho bộ Y tế quản lý những rủi ro tiếp theo mà còn vì an toàn người bệnh, đồng thời còn tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Nhiều người cũng không khỏi thắc mắc, vì sao Bùi Mạnh Quốc nhiều lần đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO nhưng không xảy ra sự cố như lần sục rửa hồi tháng 5/2017?
Ông Hải lý giải: “Do những lần trước, 3 van nói trên chưa bị hỏng nên nước RO trong bồn chứa RO2 và trong vòng tuần hoàn an toàn với người bệnh. Còn lần này, do các van RO1 bị hỏng đồng thời nên Quốc đã không kiểm soát được nguy cơ nước ô nhiễm bẩn. Đó mới là nguyên nhân làm các bệnh nhân ngộ độc đa chất dẫn đến tử vong”.
Trước đó, phiên xét xử phúc thẩm ngay 19/6, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên Hoàng Công Lương 30 tháng tù. 6 bị cáo còn lại lĩnh từ 24 tháng tù treo đến 54 tháng tù.