Theo AMN, quân đội Syria tuyên bố sẽ nối lại các chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực Idlib, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Damascus nhất trí về một lệnh ngừng bắn giúp chấm dứt nhiều tháng bạo lực đẫm máu trong khu vực.
Lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào việc phiến quân có tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được vào năm ngoái hay không. Tuy nhiên, quân đội Syria khẳng định "các nhóm khủng bố vũ trang, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã từ chối tuân thủ lệnh ngừng bắn và tấn công nhằm vào dân thường tại các khu vực lân cận". Do đó, các lực lượng vũ trang Syria sẽ nối lại chiến dịch quân sự chống khủng bố.
Trước đó, Chính phủ Syria đã chấp thuận một lệnh ngừng bắn ở tỉnh Tây Bắc Idlib với điều kiện thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria được thực hiện.
Idlib là thành trì lớn cuối cùng của phiến quân tại Syria. Tỉnh này cũng có vị trí quan trọng chiến lược vì có chung một khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm phiến quân mạnh nhất hoạt động tại tỉnh này là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm bảo trợ của lực lượng Mặt trận Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Idlib cũng nằm sát tỉnh Latakia, nơi có một căn cứ không quân của Nga đã nhiều lần bị máy bay không người lái của phiến quân tấn công từ Idlib.
Mỹ giận dữ cảnh báo đồng minh NATO chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của nước này vào phía đông bắc Syria, ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch quân sự ở phía đông Euphrates của Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đe dọa sẽ tấn công khu vực phía đông Euphrates của Syria.
Hôm 4/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan lên tiếng dọa sẽ tấn công khu vực trên. "Chúng tôi đã chiếm Afrin, Jablus, al-Bab", ông Erdogan nói về các thị trấn ở tây bắc Syria, nơi Mỹ không có sự hiện diện quân sự. "Và bây giờ chúng tôi sẽ tiến vào phía đông Euphrates", ông Erdogan tuyên bố bất chấp khu vực phía đông Euphrates là nơi các lực lượng Mỹ đóng quân cùng với các đối tác SDF của họ.
Tuy nhiên, cùng ngày Mỹ đã lên tiếng đáp trả Ankara, cảnh báo chống lại bất kỳ động thái nào như vậy. "Bất kỳ hoạt động quân sự đơn phương nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đe dọa đến an ninh và sự ổn định của khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh.
Trong khi đó, một chiếc tàu thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Nga được xác định chở số lượng lớn bom và hạ neo ở thành phố cảng Tartous của Syria trong tuần này.
Hãng tin AMN cho hay, theo nhà quan sát hàng hải Yoruk Isik, tàu Oboronlogistika’s RoRo Sparta II thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã di chuyển qua eo biển Bosphorus và đi về hướng cảng Tartous, phía tây Syria.
Ông Isik cho hay, con tàu của Nga làm nhiệm vụ vận chuyển số lượng lớn bom FAB cho không quân Syria.
Xem thêm >> Chiến sự Syria: Lý do Nga bất ngờ “vô hiệu hóa” S-400 ở Masyaf của Syria